Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (BV Bạch Mai), liên cầu lợn (streptococcus suis) là vi khuẩn cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn gây nhiễm trùng nặng ở lợn và có khả năng lây lan cho người.
Nhiễm liên cầu khuẩn ở lợn là mầm bệnh nguy hiểm, để lại biến chứng khôn lường, hiện chưa có vắc xin phòng ngừa.
Đường lây chủ yếu do tiếp xúc, do sử dụng các chế phẩm từ thịt lợn thiếu an toàn như: Những người có vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn, giết mổ, chế biến thịt lợn và quá trình chăn nuôi lợn rất dễ bị nhiễm liên cầu lợn. Những người ăn các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín như tiết canh, gỏi, nem, nội tạng của lợn nhiễm liên cầu cũng rất dễ bị nhiễm liên cầu lợn . Tuy nhiên chưa có bằng chứng lây nhiễm liên cầu lợn từ người sang người.
Một người đàn ông ở Thanh Hóa tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu lợn
Bệnh liên cầu lợn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm khớp... thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc phát hiện sớm nhiễm liên cầu lợn và phòng bệnh là rất quan trọng.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, thời gian ủ bệnh liên cầu lợn ngắn từ vài giờ, cho đến 2-3 ngày (có trường hợp ủ bệnh có thể đến vài tuần). Bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm màng não với các triệu chứng: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, gáy cứng, rối loạn tri giác, xuất huyết dưới da dạng chấm, mảng ở vành tai, mũi, mặt, thân mình … Dịch não tủy: đục, áp lực tăng, tăng bạch cầu và protein. Trường hợp nặng gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn , rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê, tử vong nhanh. Viêm màng não do liên cầu lợn nếu chẩn đoán điều trị muộn di chứng nặng nề: điếc 1 bên hay 2 bên vĩnh viễn. Một số bệnh nhân phải điều trị dai dẳng, tái phát nhiều đợt. Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc đầy đủ và đúng liều, đồng thời kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng.
Theo thống kê, khoảng 70% trong số bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân khi phát hiện có triệu chứng liên cầu lợn thì tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh liên cầu lợn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Thông thường, việc điều trị sẽ tập trung vào việc sử dụng kháng sinh phổ rộng như penicillin hoặc các cephalosporin thế hệ 3 để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần được điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, bù nước và điện giải. Liều lượng và thời gian điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của từng người. Việc điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và giảm thiểu nguy cơ biến chứng .
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh liên cầu lợn. Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là vô cùng quan trọng. Chúng ta nên tuyệt đối tránh ăn thịt lợn sống hoặc chưa được nấu chín kỹ, đặc biệt là các món ăn như tiết canh. Việc lựa chọn thực phẩm từ những nguồn uy tín, đảm bảo vệ sinh cũng là một yếu tố cần thiết. Bên cạnh đó, khi chế biến thực phẩm, cần phải đảm bảo tách biệt giữa dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín để tránh lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với động vật là thói quen cần thiết.
Tiết canh, thịt sống, thịt tái... là những món ăn chống chỉ định nếu bạn muốn phòng tránh bệnh liên cầu lợn.
Đối với những người làm việc trong ngành chăn nuôi, giết mổ, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ cá nhân như găng tay, khẩu trang. Đồng thời, không giết mổ, vận chuyển lợn bệnh , lợn chết phải tiêu huỷ đúng cách; lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ; chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn.