Giảm vài cân do chế độ ăn, vận động hoặc căng thẳng rất thường gặp. Tuy nhiên, nếu một người bị giảm cân đáng kể, tương đương 5% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 đến 12 tháng thì nên đi khám. Bởi một số vấn đề sức khỏe có thể gây ra tình trạng này.

Viêm ruột

Viêm ruột mạn tính gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng, có thể dẫn đến sụt cân không chủ ý. Nguyên nhân là do kém hấp thu, giảm cảm giác thèm ăn do đau và khó chịu, ăn kiêng để ngăn ngừa các triệu chứng bệnh. Viêm ruột cũng có thể khiến cơ thể rơi vào trạng thái dị hóa, trong đó cơ thể liên tục giải phóng năng lượng, gây mất khối lượng tổng thể, gồm cả mỡ và cơ bắp.

Rối loạn tiêu hóa

Celiac là bệnh tự miễn, trong đó gluten khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào của cơ thể, có thể gây sụt cân và thiếu dinh dưỡng. Người mắc hội chứng ruột kích thích hoặc tình trạng tăng sinh vi khuẩn đường ruột non cũng có thể bị giảm cảm giác thèm ăn, dẫn đến sụt cân.

Vấn đề sức khỏe tâm thần

Các tình trạng như trầm cảm và lo âu có thể ảnh hưởng đến cùng một phần não kiểm soát cảm giác thèm ăn, gây sụt cân không chủ ý. Một số người bị trầm cảm hoặc lo âu lại tăng cảm giác thèm ăn. Triệu chứng khác nhau tùy từng người.

Ung thư

Ung thư khiến các tế bào phân chia bất thường, lan rộng nhanh chóng, tăng tình trạng viêm và teo cơ, đồng thời có thể phá vỡ các hormone điều chỉnh sự thèm ăn. Tốc độ phát triển của ung thư cũng có khả năng làm tăng mức năng lượng mà cơ thể đốt cháy khi nghỉ ngơi. Theo Hội Ung thư Mỹ, giảm từ 5 kg trở lên không chủ đích trong 6-12 tháng có thể là dấu hiệu ban đầu của nhiều loại ung thư.

z6164209507268-bfaf0f952dd6566-8000-6193-1735103042.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=srKRQk3oiygNRCH7osVEFA

Cường giáp

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Các hormone này kiểm soát nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm quá trình trao đổi chất. Nếu tuyến giáp hoạt động quá mức, cơ thể nhanh chóng đốt cháy calo ngay cả khi ăn uống bình thường.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp khiến hệ thống miễn dịch tấn công niêm mạc khớp, dẫn đến viêm, có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và giảm tổng thể cân nặng.

Mất cơ

Mất cơ có thể dẫn đến giảm cân bất ngờ, thường gặp nhất là khi không sử dụng cơ nhiều trong một thời gian. Tình trạng này thường gặp nhất ở người không tập thể dục, làm việc bàn giấy hoặc có bệnh lý không thể di chuyển.

Tiểu đường type 1

Đây là bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào trong tuyến tụy có chức năng tạo ra insulin. Nếu không có insulin, cơ thể không thể sử dụng glucose để tạo năng lượng. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu cao, khiến cơ thể đốt cháy chất béo và cơ để tạo năng lượng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh này tiến triển có thể gây ra khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Ở giai đoạn sau, người bệnh có thể bị sụt cân vì thở khó khiến đốt cháy nhiều calo.

Viêm màng tim

Viêm màng tim là bệnh nhiễm trùng thường do vi khuẩn gây ra, dẫn đến tình trạng viêm lớp lót bên trong của tim. Nhiều người bệnh bị sốt, chán ăn. Nhiệt độ cơ thể tăng cao cũng làm tăng quá trình trao đổi chất và đốt cháy chất béo, gây sụt cân.

Bệnh lao

Bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn này thường ảnh hưởng đến phổi gây sụt cân và chán ăn.

Bệnh Addison

Bệnh Addison khiến hệ thống miễn dịch làm tổn thương tuyến thượng thận, dẫn đến không thể sản xuất đủ hormone như cortisol, aldosterone. Cortisol điều chỉnh nhiều chức năng, bao gồm cả quá trình trao đổi chất và cảm giác thèm ăn. Nồng độ cortisol thấp gây ra giảm cảm giác thèm ăn.

HIV

HIV tấn công các tế bào miễn dịch gọi là tế bào T, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng. Nếu không được điều trị, HIV có thể tiến triển đến giai đoạn ba, lúc này người bệnh sụt cân do thiếu hụt dinh dưỡng và giảm cảm giác đói. Tình trạng này có thể là kết quả của các bệnh mà hệ thống miễn dịch không thể kiểm soát.

Suy tim sung huyết

Suy tim sung huyết phát triển khi tim không được bơm đủ máu, khả năng bơm giảm. Ít máu đến hệ tiêu hóa có thể dẫn đến buồn nôn và no sớm. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi vừa ăn vừa thở. Tình trạng viêm ở mô tim cũng có thể làm tăng quá trình trao đổi chất và đốt cháy nhiều calo hơn.

Người bị sụt cân bất thường hoặc có bất kỳ triệu chứng đáng lo ngại nên đến bác sĩ khám. Bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng quát và chỉ định một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu, xét nghiệm các bệnh nhiễm trùng, chụp CT hoặc siêu âm, sàng lọc trầm cảm...

Phương pháp điều trị sụt cân bất thường phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Bác sĩ có thể tư vấn điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc dùng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho người bị sụt cân nghiêm trọng ngay cả khi chưa xác định được nguyên nhân chính xác.

Anh Ngọc (Theo Healthline)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022