Tháng 4/2023, Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,428 tỷ người. Nhiều người kỳ vọng dân số trẻ có thể đưa nền kinh tế nước này lên một tầm cao mới. Dù vậy, các chuyên gia sớm cảnh báo Ấn Độ sẽ phải đối mặt với tương lai đầy thách thức, cùng một kịch bản dân số già hóa như như Trung Quốc.

Theo đó, số người cao tuổi tăng dần theo thời gian, từ mức 5% dân số năm 1950, lên 10% dân số năm 2016, ước đạt 19% vào năm 2050. Báo cáo già hóa Ấn Độ năm 2023 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), đến cuối thế kỷ, số người cao tuổi sẽ chiếm hơn 36% tổng dân số. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm cao tuổi đã được ghi nhận từ năm 2010 trở đi, cùng với đó, nhóm tuổi dưới 15 suy giảm rõ rệt.

Tốc độ già hóa dân số trong giai đoạn 2011-2021 tại Ấn Độ ước tính là 36%, gấp ba lần tốc độ tăng trưởng của dân số nói chung. Dữ liệu từ HelpAge India cho thấy một nước như Pháp mất hơn 100 để tăng gấp đôi tỷ lệ người cao tuổi, Ấn Độ sẽ chỉ mất khoảng 20 năm.

Nghiên cứu lão hóa theo chiều dọc ở Ấn Độ công bố năm 2021 cho thấy tình trạng già hóa tại nước này là "không thể tránh khỏi".

Nhận thức được sự thay đổi về nhân khẩu học, Tổ chức Bảo trợ Nhân thọ Ấn Độ công bố tài liệu Tầm nhìn 47 vào năm 2022. Các chuyên gia cho rằng nước này có thể xem xét tăng tuổi nghỉ hưu để giải phóng cho hệ thống lương hưu.

840600-39889-mxxltjjonz-149742-2214-2404-1723192644.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Y0glawazZ-RAhlKCtCHf8w

Người già tại Ấn Độ. Ảnh: Simply CVR

Sự gia tăng dân số già ở Ấn Độ sẽ mang đến hàng loạt thách thức về mặt kinh tế và xã hội. UNFPA nhấn mạnh rằng số lượng phụ nữ góa chồng sẽ gia tăng vì phụ nữ thường sống thọ hơn nam giới. Tỷ lệ phụ nữ cao tuổi so với nam giới cao tuổi sẽ tăng lên khi tuổi từ 60 đến 80, do đó, các chính sách và chương trình cần đặc biệt chú trọng đến nhu cầu của nhóm này.

Theo nghiên cứu, phụ nữ ở nông thôn Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với phụ nữ ở thành thị, do họ bị cô lập, gặp khó khăn trong việc di chuyển vì hệ thống giao thông kém, thu nhập không ổn định và thiếu thốn dịch vụ y tế phù hợp. Báo cáo nêu rõ những phụ nữ góa chồng cao tuổi thường sống một mình với ít sự hỗ trợ và cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Thu nhập thấp hoặc không có thu nhập, cùng với chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng sẽ tạo thêm gánh nặng cho dân số già của đất nước Nam Á này.

Theo phân tích năm 2018 của Nghiên cứu Lão hóa ở Ấn Độ do UNFPA trích dẫn, 51% nam giới từ 60 tuổi trở lên đã từng làm việc, trong khi chỉ có 22% phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Tỷ lệ người cao tuổi ở nông thôn làm việc cũng cao hơn (40%) so với ở thành thị (25,6%).

Sự già hóa có liên quan trực tiếp đến việc gia tăng sự phụ thuộc kinh tế do mất thu nhập, đồng thời chi phí chăm sóc sức khỏe cũng tăng lên. UNFPA lưu ý rằng khả năng tham gia vào nền kinh tế bị hạn chế sẽ dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận lương hưu cố định, làm tăng thêm bất ổn kinh tế.

Mặt khác, về sức khỏe, hơn một nửa số người cao tuổi tại nước này đối mặt với một loại bệnh ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, 54% mắc hai hoặc nhiều bệnh không lây nhiễm. Báo cáo Lão hóa Ấn Độ chỉ ra rằng chỉ 31% số người cao tuổi có bảo hiểm y tế. Đây đều là các loại bảo hiểm công, chỉ 3% sử dụng bảo hiểm thương mại. Nhiều người không nhận thức rõ tầm quan trọng của bảo hiểm, không đủ khả năng chi trả hoặc cảm thấy nó không cần thiết.

Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, ước tính sẽ có khoảng 400 triệu người từ 65 tuổi trở lên vào năm 2050, tương đương với gần một phần ba dân số. Nhờ cải thiện sức khỏe chung và tỷ lệ sinh thấp, dân số Trung Quốc nhanh chóng lão hóa. Tuổi thọ nước này tăng lên 78,2 vào năm 2021, cao hơn 76,4 tuổi tại Mỹ. Tỷ lệ sinh của nước này cũng dừng ở mức 1,09 (năm 2022).

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc là quốc gia có thu nhập trung bình cao nhưng vẫn có một tỷ lệ đáng kể dân số có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói. Với tốc độ già hóa nhanh chóng, chính phủ Trung Quốc đang đối mặt với thách thức lớn khi quỹ lương hưu không đủ chi trả và hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.

Thục Linh (Theo Economy Times)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022