Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cho biết, vừa qua, các bác sĩ của đơn vị này đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân có 172 viên sỏi nằm trong túi mật.
Theo đó, bệnh nhân Đ.T.A (46 tuổi, trú tại Tu Vũ, huyện Thanh Thủy) được đưa đến viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị và hạ sườn phải, cảm giác nóng rát. Bệnh nhân đã tự uống thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ.
Tình trạng đau bụng ngày càng tăng nên gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định các cận lâm sàng cần thiết để kiểm tra.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC.
Kết quả siêu âm cho thấy, bệnh nhân có sỏi túi mật, sỏi thận 2 bên, gan nhiễm mỡ. Kết quả chụp cộng hưởng từ xác định hình ảnh túi mật to, sỏi túi mật, gan nhiễm mỡ. Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm túi mật do sỏi túi mật.
Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Trong quá trình mở túi mật của bệnh nhân, các bác sĩ bất ngờ khi phát hiện có tổng cộng 172 viên sỏi bên trong.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân đang được theo dõi, chăm sóc tại bệnh viện.
Sỏi túi mật là gì?
Theo các bác sĩ, sỏi mật là một trong những bệnh gan mật phổ biến do cholesterol và các thành phần khác trong túi mật kết tinh thành dạng tinh thể rắn. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh sỏi mật sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Ai cũng có thể mắc phải sỏi mật, nhất là nữ giới ở độ tuổi 40 trở lên thường xuyên nhịn đói, giảm cân nhanh chóng. Hoặc người mắc một số bệnh lý rối loạn tiêu hóa, bệnh viêm ruột mạn tính hoặc có sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai sẽ có nguy cơ cao mắc sỏi túi mật.
Bên cạnh đó, người có chế độ ăn giàu chất béo thừa cân hoặc béo phì, có lối sống ít vận động… cũng dễ mắc phải sỏi túi mật.
172 viên sỏi được lấy ra trong túi mật của bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Sỏi mật thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ không rõ ràng nếu sỏi không làm tắc túi mật. Chỉ khi túi mật bị viêm mới có các biểu hiện như cơn đau đến đột ngột, thường xuất hiện ở bên phải, ngay dưới xương sườn, giữa hai bả vai hoặc ở vai phải; buồn nôn, nôn mửa; bồn chồn; đổ mồ hôi; mệt mỏi, sốt trên 38 độ kèm cảm giác rét run, rối loạn tiêu hóa.
Tình trạng viêm túi mật cần phải được điều trị ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm túi mật hoại tử, viêm phúc mạc mật, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong.
Để ngăn ngừa sỏi mật, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây và ngũ cốc; chất béo tốt từ nguồn thực phẩm tốt như dầu cá và dầu ô liu; tránh ăn tinh bột, đường và chất béo không lành mạnh.
Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút/ngày để ngăn ngừa các bệnh làm tăng yếu tố nguy cơ gây ra sỏi mật; không áp dụng các biện pháp nhịn ăn và giảm cân nhanh; tránh thực phẩm giàu chất béo bão hòa có thể giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi mật, chẳng hạn như bơ, pho mát cứng, bánh ngọt...
Ngoài ra, vì sỏi mật hình thành âm thầm, không có triệu chứng nên để phòng ngừa và phát hiện sớm, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật và phát hiện sỏi mật.
Sỏi mật là bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến với số lượng người mắc gia tăng qua từng năm. Nắm được những thông tin về bệnh sẽ giúp người bệnh lựa chọn được giải pháp điều trị phù hợp.