"Ban đầu, cô và chú tôi phản đối việc ba hiến xác. Nhưng khi hiểu rằng điều này giúp sinh viên y khoa, bác sĩ học cách trị bệnh để cứu người, họ đều đồng ý làm theo", chị Nguyễn Ngọc Ánh Quy, ngụ huyện Bình Chánh, chia sẻ tại Lễ Macchabée do Đại học Y Dược TP HCM, tổ chức chiều 10/1.

Trong không gian ấm áp với đèn hoa, hướng dương, sen, hạc giấy, các thi hài được đặt trang nghiêm, choàng hoa bưởi, đĩa hoa trắng trên ngực, xung quanh là đèn hoa đăng. Hàng trăm sinh viên y khoa kính cẩn tri ân những người hiến xác.

20250110-151406-1736562483-173-5005-8546-1736563085.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TFpznFLr70YhAk7JsxpZmg

Kim Hồng (áo đen) bên cạnh thi hài bố tại lễ tri ân những người hiến xác của Đại học Y dược TP HCM, chiều 10/1. Ảnh: Lê Phương

Ông Quý qua đời trong giấc ngủ ở tuổi 65, sau thời gian sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trước đây, ông từng bán báo ven đường, rồi biết đến việc hiến xác qua tin tức. Năm 1999, ông trực tiếp đến Đại học Y Dược TP HCM tìm hiểu và đăng ký hiến xác, với mong muốn "đem thân mình làm quà tặng cho sự sống". Ông nhiều lần nhắc con gái về di nguyện này, vừa cống hiến cho khoa học, vừa tránh phiền hàng xóm tổ chức tang lễ như khi vợ ông qua đời.

Cùng lễ tri ân, cô gái 18 tuổi Phạm Kim Hồng, ngụ Củ Chi, lặng lẽ đặt hoa sen lên thi hài bố - ông Phạm Hữu Hiệp, người qua đời ở tuổi 69. Ông Hiệp bị teo chân trái do di chứng sốt bại liệt từ nhỏ, sống quanh quẩn trong nhà. Hồng đồng ý chuyển thi thể bố ra Hà Nội ngày 12/1 để hỗ trợ sinh viên, bác sĩ phía Bắc, nơi đang thiếu nguồn xác hiến tặng.

"Ba vẫn hiện diện, tiếp tục giúp ích cho đời dù đã ra đi", Hồng xúc động nói. Cô dự định đăng ký hiến xác theo gương bố.

le-tri-a-n-1736562649-17365626-2297-7835-1736563085.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fDpAwGEjvGZb3_rnjOuarw

Các sinh viên Đại học Y dược TP HCM tại Lễ tri ân những người hiến xác cho y học, chiều 10/1. Ảnh: Lê Phương

TS.BS Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng Bộ môn Giải phẫu học, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết năm 2024, hơn 1.700 người đã làm hồ sơ hiến xác, nâng tổng số người đăng ký lên hơn 36.000.

Theo quy trình, thi thể được các viện tiếp nhận, trong vòng 24 giờ được bảo quản theo hai phương pháp. Bảo quản bằng hóa chất để không bị phân hủy, gọi là xác khô, khoảng một năm sau đưa ra sử dụng cho nghiên cứu và giảng dạy. Cách khác, thi thể được bảo quản trong tủ lạnh chuyên biệt, gọi là xác tươi, được sử dụng đào tạo y bác sĩ và huấn luyện kỹ thuật cao trong phẫu thuật.

Năm qua, trường tiếp nhận 29 thi hài, nâng tổng số lên 938. Hiện nơi này bảo quản 148 trường hợp phục vụ học tập, nghiên cứu y khoa ở nhiều cấp độ. Những thi hài đã sử dụng sẽ được hỏa táng và trả tro cốt về cho gia đình.

"Những người hiến xác là thầy thầm lặng, những đóa hoa bất tử, hạt nắng ban mai giàu lòng nhân ái. Họ để lại bài học vô giá về y đức", bác sĩ Vũ chia sẻ.

PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Khoa Y, Đại học Y Dược TP HCM, nhấn mạnh rằng tiêu bản xác người là phương tiện đặc biệt trong đào tạo y khoa. Dù y học phát triển, chưa có kỹ thuật nào thay thế được tiêu bản người thật trong việc hiểu cơ thể, phát hiện và chữa trị bệnh. Hiện, việc hiến xác cho y học ở Việt Nam vẫn chưa phổ biến, phần lớn xuất phát từ quan niệm "chết toàn thây". Không ít người đăng ký hiến xác nhưng bị gia đình phản đối.

Lễ Macchabée, bắt nguồn từ phương Tây, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự kính trọng người đã khuất và khát vọng hạnh phúc, bình đẳng. Tại Việt Nam, lễ này được tổ chức từ năm 1902 tại Hà Nội, gián đoạn từ 1954 và được khôi phục năm 1990 bởi giáo sư Nguyễn Quang Quyền, Đại học Y Dược TP HCM, với tên gọi "Lễ tri ân". Từ đó, lễ tri ân lan rộng đến các trường y khoa trên cả nước.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022