hdan-sxh-1720688939421-17206889399991144298250.jpg

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN

Nhiều dịch xuất hiện cùng lúc

Tại Hà Nội, trong tuần vừa qua, thành phố ghi nhận 118 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 34 trường hợp so với tuần trước đó). Đến nay đã là 6 tuần liên tiếp, Hà Nội tăng cao số ca mắc sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.058 trường hợp mắc, tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hiện trên địa bàn thành phố có 5 ổ dịch đang hoạt động.

  • ai-can-tiem-vac-xin-bach-hau2-17206730731401052404769-0-0-750-1200-crop-1720673076246967972080.jpg

    Bệnh bạch hầu có nguy cơ lan rộng: Đã tiêm vắc xin có thể phòng bệnh cả đời hay không?

Đáng lo ngại, qua kết quả giám sát chỉ số muỗi, bọ gậy (chỉ số BI) tại 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội, có tới 74% lượt giám sát có chỉ số BI từ 20 trở lên (chỉ số có nguy cơ cao bùng phát dịch).

CDC Hà Nội dự báo, thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và ghi nhận thêm các ổ dịch mới.

Tại Hải Phòng, số ca mắc sốt xuất huyết cũng đang tăng vọt trong những tuần gần đây. Tuần vừa qua, địa phương ghi nhận tới 794 ca mắc sốt xuất huyết, tuần trước đó là 812 ca... Tích lũy từ đầu năm tới nay, Hải Phòng đã có 2.811 trường hợp mắc sốt xuất huyết; có 252 ổ dịch đang hoạt động. Các quận, huyện có số ổ dịch đang hoạt động cao là: Hải An, Lê Chân, Vĩnh Bảo, Hồng Bàng, An Dương...

Tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, dịch sốt xuất huyết cũng đang tăng cao. Tại Đắk Nông, đến nay đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, có 1 ca tử vong. Từ đầu năm đến nay tỉnh Lâm Đồng cũng ghi nhận 2.162 ca mắc sốt xuất huyết, đã có ca tử vong… Các địa phương này cũng dự báo dịch sốt xuất huyết có thể kéo dài, lan rộng, tăng số ca nặng…

Bên cạnh dịch sốt xuất huyết đang vào “mùa”, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, các dịch bệnh khác cũng đang có cơ hội bùng phát. Đơn cử như trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc sởi và 1 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản; trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca bệnh nào.

Theo CDC Hà Nội, đối với bệnh viêm não Nhật Bản, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền bệnh. Bệnh lưu hành quanh năm, gây dịch chủ yếu vào các tháng hè và thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. CDC Hà Nội cũng đưa ra dự báo, thời gian tới có thể ghi nhận thêm các ca mắc sởi, viêm não Nhật Bản...

Tại Thừa Thiên Huế, sau hơn 10 năm không có ca bệnh ho gà, gần đây, bệnh đã xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh. Tại Bệnh viện Trung ương Huế đã ghi nhận 2 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn ho gà; là trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, lứa tuổi chưa tiêm phòng hoặc vừa tiêm chưa tạo được miễn dịch.

Đắk Lắk cũng vừa ghi nhận 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, 2 trường hợp mắc bệnh sởi. Ngay khi ghi nhận thông tin ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh và triển khai các biện pháp điều tra véc-tơ truyền bệnh, xử lý môi trường xung quanh nhà bệnh nhân; đồng thời triển khai đồng loạt các hoạt động, không để dịch sởi bùng phát và lan rộng…

Đặc biệt, những ngày gần đây, bệnh bạch hầu xuất hiện và “nóng” trở lại tại nhiều địa phương. Sau 2 ca "mở màn" ghi nhận tại Nghệ An và Bắc Giang (trong đó có 1 ca đã tử vong), lại tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc và nghi mắc bạch hầu tại các địa phương khác như: Bắc Giang ghi nhận thêm 1 ca; tại Hà Tĩnh cũng ghi nhận bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ…

Thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, hiện nay, một số dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi... đang có xu hướng gia tăng, đồng thời cũng ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vaccine.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hiện trên phạm vi cả nước đang trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều. Đồng thời, cũng đang là thời điểm cao điểm du lịch hè 2024, với nhu cầu giao thương, du lịch của người dân tăng cao. Do đó, nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè là rất lớn, nhất là với bệnh sởi và sốt xuất huyết.

Chủ động ngăn chặn

Trước tình hình nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận ca mắc, đều là những bệnh rất dễ lây lan, thành dịch xuất hiện; các địa phương đang phải gồng mình kiểm soát, ngăn chặn.

Tại Hà Nội, để kiểm soát dịch sốt xuất huyết, Hà Nội đã tổ chức giám sát thường xuyên, trọng điểm các chỉ số côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch, các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch sốt xuất huyết cũ, giám sát sau khi triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để chủ động theo dõi, đánh giá nguy cơ và tham mưu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp thực tiễn. Thành phố cũng tổ chức triển khai các hoạt động chủ động phòng, chống dịch như: Chiến dịch thả cá chủ động, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diện rộng chủ động…

Thành phố Hải Phòng cũng đang tập trung cao, tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ...; xây dựng giám sát trọng điểm tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để… Đồng thời, tăng cường chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy, thu gom phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng tới… để giảm mật độ véc-tơ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các địa bàn có ổ dịch.

Các địa phương đã ghi nhận các ca bệnh sởi, ho gà, viêm não, đặc biệt là bệnh bạch hầu, cũng đang tích cực triển khai công tác phòng chống các dịch bệnh; tăng cường xét nghiệm phát hiện ca bệnh; xử lý không để bệnh lây lan thành dịch.

Trước tình hình các dịch bệnh gia tăng, để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè năm 2024, Bộ Y tế cũng vừa có công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Các địa phương thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát dịch.

Các địa phương bảo đảm tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong. Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế cũng yêu cầu y tế các địa phương tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.

Đặc biệt, với những dịch bệnh đã có vaccine, cần “xốc” lại tỷ lệ tiêm chủng để tạo hàng rào miễn dịch cho cộng đồng, là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Một trong các biện pháp phòng dịch hiện nay là cần thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả. Đồng thời, các địa phương rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Đặc biệt, việc cận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch là rất quan trọng, nhất là khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022