Ảnh hưởng của rãnh áp thấp xích đạo hình thành trên biển Đông khiến nhiều tỉnh thành phía Nam có mưa trái mùa trên diện rộng với tổng lượng mưa lớn hơn cùng kỳ nhiều năm. Bình thường, mùa mưa ở TP HCM bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, còn mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

BS.CK2 Trần Đắc Nguyên Anh, Trưởng Khoa Khám theo yêu cầu Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết mưa nhiều, việc tăng độ ẩm không khí là môi trường lý tưởng cho virus cúm, RSV, adenovirus và các vi khuẩn phát triển. Đây là tác nhân gây viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Trẻ cũng dễ bị lây nhiễm cúm khi tiếp xúc trong môi trường đông người. Đặc biệt trẻ có cơ địa yếu hoặc bệnh lý nền như hen suyễn, tim bẩm sinh, bệnh lý phổi mạn... sẽ dễ bệnh nặng hơn.

Thời tiết thay đổi đột ngột khiến trẻ dễ nhiễm virus gây cảm lạnh, cảm cúm, với các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi. Độ ẩm cao còn làm gia tăng nguy cơ viêm da, hăm da, rôm sảy và nhiễm nấm da. Ngoài ra, trẻ dễ bị kích ứng da, nổi mề đay do dị ứng thời tiết.

Mưa trái mùa có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm. Mưa làm tích tụ nước còn tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, làm tăng nguy cơ sốt xuất huyết. Độ ẩm cao cũng làm gia tăng bệnh tay chân miệng do virus lây lan nhanh trong điều kiện ẩm ướt.

233A3844-4796-1739609069.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Xi2G7fDs6yKtZt6rIFnhHA

Nhân viên y tế tại bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Quỳnh Trần

Bác sĩ khuyến cáo khi trẻ có các triệu chứng sốt, ho, nôn ói, tiêu chảy, cần đưa đến cơ sở chuyên khoa nhi để thăm khám. Phụ huynh lưu ý không tự điều trị bệnh cho trẻ tại nhà, đặc biệt trẻ dưới 3 tháng tuổi khi sốt cần được đi khám ngay.

Trong đó, với trẻ bệnh đường hô hấp, cảnh giác khi trẻ sốt cao liên tục trên 38,5°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt. Trẻ ho nhiều, thở khò khè, khó thở, tím tái môi hoặc đầu ngón tay, ngón chân. Trẻ thở nhanh hơn bình thường, rút lõm lồng ngực (dấu hiệu viêm phổi), không bú được.

Trẻ bệnh đường tiêu hóa cần lưu ý khi nôn ói nhiều, tiêu chảy kéo dài trên hai ngày, phân có máu hoặc chất nhầy, Bụng chướng, đau bụng dữ dội, bỏ ăn, không uống được nước. Trẻ có dấu hiệu mất nước như khát nước nhiều, môi khô, da nhăn nheo, tiểu ít.

Trẻ sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục trên hai ngày, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, xuất hiện chấm đỏ trên da, bầm tím bất thường, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Trẻ có thể đau bụng vùng gan, nôn nhiều, lừ đừ, mệt mỏi.

Với bệnh tay chân miệng, trẻ có thể sốt cao không hạ, quấy khóc liên tục, giật mình, run tay chân. Nổi mụn nước nhiều ở lòng bàn tay, chân, miệng, mông kèm loét miệng nặng. Lừ đừ, ngủ li bì, co giật hoặc đi loạng choạng.

Dấu hiệu dị ứng, bệnh da liễu nghiêm trọng là phát ban, mẩn ngứa lan rộng, sưng phù môi, mắt. Nhiễm trùng da với vết thương sưng đỏ, có mủ, sốt kèm theo.

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, bác sĩ Nguyên Anh khuyến cáo phụ huynh nên giữ ấm cơ thể cho trẻ khi trời trở lạnh. Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng. Tiêm ngừa cúm đầy đủ cho trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

Hạn chế để trẻ nghịch nước mưa, tránh mặc quần áo ướt lâu. Mang khẩu trang khi đến nơi công cộng hoặc hạn chế ra đường nếu không cần thiết. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, vệ sinh ăn uống. Diệt muỗi, lật úp các vật dụng chứa nước để hạn chế sinh sôi loăng quăng.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022