Mỡ nội tạng là loại chất béo được lưu trữ trong khoang bụng, nằm gần một số cơ quan quan trọng, bao gồm gan, dạ dày và ruột. Chúng cũng có thể tích tụ trong động mạch. PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân quân đội 108, giải thích mỡ nội tạng không nhất thiết là mỡ bụng, bởi mỡ bụng cũng có thể là mỡ lưu trữ dưới da, có ở tay và chân, nơi dễ nhìn thấy hơn. Còn mỡ nội tạng thực sự nằm trong khoang bụng và không dễ dàng nhìn thấy.

Têu thụ quá nhiều calo và hoạt động thể chất quá ít khiến cơ thể có xu hướng tích trữ mỡ quanh bụng là một trong những nguyên nhân chính hình thành mỡ nội tạng. Ngoài ra, khi tuổi tác tăng lên, cơ thể có khả năng phát triển chất béo nội tạng hơn, ngay cả khi họ không tăng cân. Uống rượu bia, ăn uống không lành mạnh cũng có thể dẫn đến nhiều mỡ nội tạng.

Cách duy nhất để chẩn đoán xác định là chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên, việc này tốn kém và mất thời gian. Thay vào đó, các chuyên gia thế giới nghiên cứu và đánh giá khoảng 10% chất béo trong cơ thể là chất béo nội tạng. Tính tổng lượng mỡ trong cơ thể và sau đó lấy 10% của nó, bạn có thể ước tính lượng mỡ nội tạng của mình. Có thể tính lượng mỡ cơ thể bằng máy đo chuyên dụng.

Mức chất béo nội tạng lành mạnh là ở dưới 13. Nếu trên mức này, chất béo nội tạng có thể gây hại, bạn nên thay đổi lối sống.

cf2f3f265993ffcda682-172783513-7843-1915-1727835242.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sDdHq2mJ0cORZCa3md3zwg

Một bệnh nhân không thừa cân nhưng chỉ số mỡ nội tạng cao, mắc nhiều bệnh lý. Ảnh: Bác sĩ Tân cung cấp

Mỡ nội tạng đôi khi được gọi là "chất béo hoạt động" vì nó có thể chủ động làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tăng đề kháng insulin, ngay cả khi bạn chưa từng mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường. Mỡ nội tạng dư thừa làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh lý nghiêm trọng kéo dài, bao gồm bệnh lý tim mạch như huyết áp cao, đột quỵ, nhồi máu cơ tim; các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường; tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư thực quản, ung thư đại trực tràng.

"Chất béo nội tạng rất dễ mất đi khi bạn giảm cân bằng cách thay đổi lối sống, bao gồm tập thể dục, chế độ ăn uống", PGS Tuấn nói, khuyến cáo tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập tim mạch và luyện tập sức mạnh, các bài cardio như thể dục nhịp điệu, đi xe đạp hoặc chạy. Tập luyện sức bền sẽ từ từ đốt cháy nhiều calo hơn theo thời gian khi cơ bắp của bạn khỏe hơn và tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Tốt nhất, bạn nên tập cardio 30 phút, 5 ngày mỗi tuần và tập sức mạnh ít nhất 3 lần mỗi tuần.

Hormone cortisol - loại hormone tiết ra khi căng thẳng, có thể làm tăng lượng mỡ nội tạng mà cơ thể bạn dự trữ. Vì vậy, giảm stress trong cuộc sống sẽ giúp bạn dễ dàng mất nó hơn. Thực hành thiền, hít thở sâu, tập luyện... giúp kiểm soát căng thẳng.

Điều cần thiết là tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Loại bỏ thực phẩm đã qua chế biến, nhiều đường, nhiều chất béo, thay vào đó là bổ sung thực phẩm giàu protein, thịt nạc, rau, khoai lang, các loại đậu. Sử dụng các phương pháp nấu ăn ít chất béo như luộc hoặc hấp, thay vì chiên. Khi bạn sử dụng dầu, nên chọn những loại tốt cho sức khỏe hơn như dầu ô liu thay vì bơ hoặc dầu đậu phộng.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022