"Cơ thể không lành lặn, nhưng các bài giảng của tôi vẫn sẽ rất phong phú", tiến sĩ Trần Bân giản dị giới thiệu với các sinh viên mới tại Cao đẳng Nghề thành phố Huệ Châu, đầu tháng 9.

Anh là một trong số những giảng viên đặc biệt nhất công tác tại đây, khi hằng ngày di chuyển đến lớp học bằng xe lăn. Dù đây là lần đầu tiên sinh viên khóa mới tham gia lớp học của Trần Bân, câu chuyện về nghị lực và thành tích của anh đã được các em truyền tai nhau từ khi chưa khai giảng. Họ nói về quãng thời gian học tập và lấy bằng tiến sĩ của anh tại Đại học Thanh Hoa - trường đại học danh giá nhất Trung Quốc, đến quá trình trở thành giảng viên của Cao đẳng Nghề thành phố Huệ Châu. Tất cả đều được thực hiện khi đang ngồi xe lăn.

Trần Bân sinh năm 1993 tại Huệ Châu. Giống với những đứa trẻ khác, anh có một tuổi thơ vô tư và khỏe mạnh. Bước ngoặt kéo đến năm 7 tuổi, khi Trần Bân được chẩn đoán mắc chứng rối loạn dưỡng cơ tiến triển hiếm gặp Duchenne (đặt theo tên nhà thần kinh học người Pháp Guillaume Benjamin Amand Duchenne - DMD). Đây là dạng bệnh di truyền với tỷ lệ 10 - 33 ca mắc trên 10.000 bé trai sơ sinh. Bệnh nhân từ từ mất sức mạnh, cho đến khi không còn cử động được chi dưới hoặc chi trên của cơ thể.

Nhiều người bị bệnh vẫn có cuộc sống bình thường nếu hội chứng loạn dưỡng cơ tiến triển chậm. Ngược lại, người bệnh phải đối diện với tình trạng yếu cơ nặng nề và thường tử vong ở những năm 20 tuổi. Nhờ vào sự phát triển của y tế, trẻ em mắc bệnh loạn dưỡng cơ có thể sống lâu hơn so với trước đây. Tuy nhiên, hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu giúp chữa lành hoàn toàn bệnh.

Trần Bân phải tới một bệnh viện ở Bắc Kinh điều trị nhiều lần suốt thời thơ ấu, chính 300 mũi kim lên cơ thể. Những thuốc này tập trung chủ yếu vào việc giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Dù vậy, năm 12 tuổi, anh mất hoàn toàn khả năng đi lại. Sau đó, Bân không thể dùng tay nâng vật nặng, việc mặc quần áo, rửa mặt, ăn uống hàng ngày cần có sự hỗ trợ của gia đình.

"Tại sao số phận lại bất công với mình như vậy?", chàng trai trẻ "trút giận" trong cuốn nhật ký, luôn ám ảnh về việc bản thân có một cuộc đời bất hạnh, không có tương lai.

Tuy nhiên, nhờ sự động viên của cha mẹ và câu chuyện về nhà khoa học Stephen Hawking, Trần Bân nỗ lực học hành. Hawking bị chẩn đoán mắc xơ cứng teo cơ một bên, còn gọi là bệnh Lou Gehrig, căn bệnh phá hủy hệ thống neuron thần kinh của cơ thể khiến ông bị liệt. Các bác sĩ cho rằng ông chỉ có thể sống thêm hai năm. Tuy nhiên, ông tiếp tục sống thêm hơn nửa thế kỷ, trở thành ông hoàng vật lý với những thành tựu khoa học rực rỡ.

Hằng ngày, Trần Bân được mẹ cõng từ Huệ Châu đến Quảng Châu và Bắc Kinh để đi học. Trường học thậm chí chuyển lớp học của Trần Bân xuống tầng hai để anh dễ di chuyển, bố trí một căn phòng trống giúp anh nghỉ ngơi vào buổi trưa.

w020240606349664137831-1725445-5858-1542-1725445313.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AoKRaNl70qvHsU1XcjRSnQ

Trần Bân trong ngày tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa, tháng 6/2023. Ảnh: Hznews

Anh được nhận vào Đại học Trung Sơn - ngôi trường hàng đầu Quảng Châu năm 2012. Năm 2016, Trần Bân đứng đầu trong đánh giá tổng thể chuyên ngành, vượt qua hai kỳ thi nghiên cứu và trở thành nghiên cứu sinh của Đại học Thanh Hoa. Cả hai ngôi trường đặc biệt sắp xếp phòng ký túc xá dành cho hai mẹ con.

"Hai ký túc xá này như ngôi nhà của tôi. Dù căn bệnh giam cầm cơ thể, tình yêu của gia đình và những người xung quanh giúp tôi có thể giang rộng cánh đến với ước mơ của mình", anh nói.

Trong quá trình chiến đấu với bệnh tật, Trần Bân giữ một tinh thần tích cực và năng lượng. Vì không thể tự do di chuyển, anh có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và suy nghĩ. Khi các cơ bắp dần mất sức, anh hiểu sâu hơn về "sức mạnh tinh thần".

"Trong thế giới của tôi, mọi thứ đều nặng hơn đôi mắt của người bình thường. Tôi phải cố gắng hết sức để cân bằng cả cuộc sống, học tập và công việc", anh nói.

Trải nghiệm này cũng là lý do anh lựa chọn chuyên ngành tâm lý học. Anh chia sẻ bản thân muốn giúp đỡ những người cũng đang gặp khó khăn. Theo quan điểm của Trần Bân, ý chí cũng là một dạng cơ bắp. Những trải nghiệm đau đớn có thể rèn luyện tâm lý, giúp mọi người trở nên mạnh mẽ hơn.

Quan điểm này giúp anh giành tấm bằng tiến sĩ tâm lý từ Đại học Thanh Hoa, chuyên ngành khoa học thần kinh nhận thức. Anh đứng đầu trong trường về thành tích chuyên môn, được Đại học Thanh Hoa trao giải Sinh viên của năm.

Tháng 12/2023, Trần Bân trở thành giảng viên Cao đẳng Nghề thành phố Huệ Châu. 59 suất học tại lớp của anh được các sinh viên tranh giành trong 10 phút. Chủ đề bài giảng đầu tiên là "Hiểu về căng thẳng một cách khoa học". Anh được các sinh viên của mình trìu mến gọi với cái tên "giảng viên trên xe lăn". Anh cho biết bản thân cố gắng để trở thành người có ích cho xã hội và báo đáp cha mẹ.

Thục Linh (Theo Hznews, SCMP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022