Trường hợp đầu tiên là bé trai 3 tuổi bị đuối nước khi đi bơi cùng anh ngày 10/8. Trẻ được phát hiện trong bể bơi người lớn trong tình trạng môi tím, da trắng nhợt, không cử động.

Nhân viên bể bơi ép tim và thổi ngạt khoảng 2 phút, da hồng trở lại, nhưng sau đó vác chạy thêm 5 phút. Khi tình trạng không cải thiện, bé được chuyển đến trạm y tế và bệnh viện huyện. Tại đây, bé được thở oxy, có nhịp tim lại nhưng tiểu tiện không tự chủ và có cơn co cứng, nên tiếp tục chuyển đến bệnh viện tỉnh. Sau đó, các bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Khi nhập viện, bệnh nhi hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy đa tạng, được điều trị thở máy, ổn định huyết động, lọc máu, kháng sinh và hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não. Sau 3 ngày, tình trạng bé vẫn nặng, nguy cơ tử vong cao do suy đa cơ quan và thời gian thiếu oxy não kéo dài vì không được sơ cấp cứu đúng cách.

dsc05346-14343718-1723541040079-172354104021930817642.jpg

Bé trai 3 tuổi vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Trường hợp hai là bé trai 12 tuổi ở Nam Định, bị đuối nước ở sông gần nhà. Khi vớt lên, người cấp cứu không rõ cậu bé có ngừng thở, ngừng tim hay không mà chỉ biết cậu tím tái và bị vác ngược chạy khoảng 10 phút, mặc dù cân nặng khá lớn (50kg).

Khi thấy không hiệu quả, trẻ mới được ép tim và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, nhịp tim trở lại sau 15 phút cấp cứu. Tuy nhiên, do thời gian ngừng tim kéo dài (trên 30 phút) nên dù được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cậu bé vẫn hôn mê sâu, suy hô hấp, tiên lượng di chứng thần kinh nặng nề.

ThS.BS Hoàng Ngọc Cảnh – khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy.

Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Vì thế, khi thấy trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay.

Việc nhiều người có thói quen dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy sẽ làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt), làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ, thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ.

dsc05382-14343802-1723541040738-17235410408582141712035.jpg

Không nên dốc ngược trẻ khi đuối nước. (Ảnh minh họa)

Các bước cấp cứu đuối nước đúng cách được Hội Nhi khoa Việt Nam và Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo áp dụng:

- Gọi trợ giúp: Ngay lập tức gọi to và gọi cấp cứu 115 khi thấy trẻ bị đuối nước.

- Đưa trẻ ra khỏi nước: Sử dụng các dụng cụ như phao, dây, hoặc gậy (cứu gián tiếp), hoặc trực tiếp xuống nước cứu nếu có kỹ năng.

  • 438301500-3499804733499111-2273859535956126833-n-528-1721484231747-17214842319911035944275-35-0-438-645-crop-17214842878831421435006.jpg

    Đuổi theo xe máy người lạ vào trạm y tế, bác sỹ cứu bé 2 tuổi bị đuối nước ngừng tim

- Kiểm tra hô hấp và ý thức: Kiểm tra xem trẻ có thở và tỉnh không bằng cách quan sát lồng ngực và kiểm tra hơi thở.

- Hồi sức tim phổi (CPR): Nếu trẻ không thở, đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng và thực hiện CPR bằng cách thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.

- Đặt trẻ ở tư thế an toàn: Sau khi trẻ tỉnh, đặt nằm nghiêng, lau khô, giữ ấm, và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bác sĩ đưa ra một số chú ý khi cấp cứu trẻ đuối nước và những sai lầm cần tuyệt đối tránh:

- Không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt) làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ.

- Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở.

- Khi ép tim ngoài lồng ngực cho trẻ, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi.

- Cần đưa tất cả trẻ bị đuối nước đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.

- Người cứu không biết bơi nhưng lại cố gắng nhảy xuống nước gây nguy hiểm tính mạng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022