Ngày 19/12, đại diện Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đây là hai ca ghép tủy đồng loại thứ 3 và 4 của bệnh viện. Ghép tủy đồng loại là người bệnh được truyền tế bào gốc tạo máu từ người thân cùng huyết thống hoặc người không cùng huyết thống.

Trong đó, bệnh nhi hơn 3 tuổi, ngụ Quảng Trị, mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) thể alpha, một năm nay phải nhập viện truyền máu hàng tháng. Hệ kháng nguyên bạch cầu HLA của bệnh nhi phù hợp hoàn toàn với anh ruột 8 tuổi. Do đó người anh đã hiến tủy ghép cho em. Ca ghép tủy được tiến hành một tháng trước, hiện bé phục hồi tốt.

Còn bé 10 tuổi ở Đà Nẵng, được chẩn đoán Thalassemia lúc 20 ngày tuổi, cũng phải vào viện truyền máu hàng tháng. Cháu bé được ghép tủy đồng loại từ anh ruột 15 tuổi. Ca ghép thực hiện vào 20 ngày trước. Sau phẫu thuật, bé gặp biến chứng sốt và giảm bạch cầu hạt nhẹ song nhanh chóng hồi phục.

f5e81465f860453e1c71-173459603-2653-1229-1734596183.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gd48SwwNqGHDev20dquFtA

Bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh hồi phục sau ca ghép tủy đồng loại. Ảnh: Lan Hương

Thalassemia (tan máu bẩm sinh) là bệnh lý di truyền gây thiếu máu hồng cầu nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Trường hợp nặng, trẻ phải lệ thuộc vào truyền máu thường xuyên, ứ sắt trong cơ thể, gây tích tụ sắt lên các tạng, dẫn đến nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Ghép tủy đồng loại được xem là phương pháp điều trị tối ưu đối với bệnh lý Thalassemia, mang lại cơ hội phục hồi hoàn toàn, giúp trẻ sống khỏe mạnh mà không cần truyền máu. Với phương pháp này, việc tìm HLA phù hợp là một vấn đề khó khăn. Để quá trình ghép tủy diễn ra liên tục và giúp được nhiều bệnh nhân tan máu bẩm sinh, Bệnh viện Trung ương Huế xét nghiệm HLA miễn phí cho các bệnh nhân và gia đình nhằm tìm ra người hiến tủy phù hợp.

Võ Thạnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022