Khoảng 21h ngày 11/7, chị Nguyễn Thị Thảo, 34 tuổi, điều dưỡng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng trên đường đưa con đi chơi về đến thôn 6, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên thì phát hiện cháu bé gặp sự cố.

Khi đó, chị Thảo thấy ông nội bế bé trên tay với tâm lý hoảng loạn. "Đoán có việc không lành, tôi vội bảo chồng dừng xe, chạy vào xem, dù không hề quen biết gia đình họ. Tôi nói tôi là nhân viên y tế, để tôi kiểm tra cháu", chị Thảo nhớ lại.

Thấy bé đã tím tái, ngừng thở, chị Thảo vội dùng hai ngón tay ép tim lồng ngực, hà hơi thổi ngạt cho cháu.

"Sơ cứu trẻ sơ sinh khác với người lớn, phải có kinh nghiệm, được tập huấn mới làm được. Tôi hô hấp mấy lần thì thấy sữa từ miệng cháu trào ra rất nhiều", chị Thảo nói, thêm rằng trước đây từng là điều dưỡng khoa Sơ sinh nên chị có kinh nghiệm xử lý tình huống này.

giay-phut-dieu-duong-cap-cuu-be-so-sinh-sac-sua-1720777580.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ANwfbPXYzKbvgpgPrqqrig
Giây phút điều dưỡng cấp cứu bé sơ sinh sặc sữa
Giây phút nữ điều dưỡng cấp cứu bé sơ sinh 7 tháng tuổi bị sặc sữa trên xe. Video NVCC

Đúng lúc đó, xe taxi do gia đình gọi đến đưa cháu đi cấp cứu. Chị Thảo lên cùng, vừa liên tục sơ cứu, hô hấp vừa kêu bé "cố lên". Người mẹ lúc này đã mất bình tĩnh vì lo cho con. "Tôi phải động viên, đề nghị mẹ cháu không khóc, hỗ trợ tôi bằng cách búng chân", chị Thảo chia sẻ.

Sau 3 phút di chuyển, bé được đưa vào Trung tâm y tế huyện Thủy Nguyên. Vừa xuống xe, chị Thảo thông báo nhanh tình hình của bé và cùng các bác sĩ ở đây cứu chữa cháu. "Ban đầu rất nguy hiểm, tình hình xấu. Sau nhiều biện pháp cấp cứu, mạch của cháu đập trở lại. Lúc đó tôi mới yên tâm phần nào để ra về", nữ điều dưỡng kể.

Hôm sau, khi đến cơ quan làm việc, chị Thảo biết cháu bé đã được chuyển vào Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để tiếp tục theo dõi trong tình trạng tỉnh táo, tự bú được sữa mẹ.

Lãnh đạo Bệnh viện trẻ em Hải Phòng xác nhận vụ việc, đang theo dõi sức khỏe của bệnh nhi.

f033e15c-e4fe-42d9-a803-a58648-8686-8187-1720781588.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OE00x8G0OKd6Mfj1X6i3Qg

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo và cháu bé tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Ảnh: BVCC

Sặc sữa là hiện tượng sữa trào ngược vào đường thở khiến trẻ khó thở, sặc sụa, tím tái... Sặc sữa tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hệ lụy, nếu không được sơ cứu kịp thời sẽ để lại di chứng về não do thiếu oxy, nặng thì tử vong.

Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bị sặc sữa, người giữ trẻ cần ngay lập tức làm theo thứ tự các bước sau:

Bước 1: Cho trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải, dùng lòng bàn tay vỗ mạnh và nhanh năm cái vào lưng trẻ nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống sữa ra khỏi đường hô hấp. Trẻ vẫn ho thì tức là đường thở chỉ bị tắc nhẹ. Sau đó, lau sạch sữa ở miệng, mũi và các bộ phận khác.

Bước 2: Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh 5 cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối hai vú 1-2 cm. Lặp lại 5 đến 6 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục, da hồng hào trở lại.

Bước 3: Kiểm tra lại đường thở bằng cách dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh, càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sặc sữa ở trẻ sơ sinh sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp do sữa tràn vào phế quản.

Bước 4: Trẻ có biểu hiện ngừng thở: Sau kết hợp các biện pháp trên và khi đã hút sạch đường thở, mà trẻ vẫn ngừng thở thì phải kết hợp với hà hơi thổi ngạt, cụ thể ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào, thấy lồng ngực hơi nhô lên. Hà hơi thổi ngạt khi trẻ có nhịp thở, sau đó phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Lưu ý, khi phát hiện trẻ có biểu hiện sặc sữa, trong khi cấp cứu trẻ tại nhà cần gọi ngay người hỗ trợ để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Lê Tân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022