Bác sĩ Chính cho biết tiêm ngừa cúm được xem là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Vaccine có hiệu quả 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc; giảm 50% nguy cơ nhập viện, 15-45% nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp... Giáo viên, nhân viên y tế tiếp xúc nhiều người, trong đó có nhóm miễn dịch yếu, trẻ em, người già, nên càng cần thiết chủng ngừa.
Thực tế, nhiều người đã hiểu về nguy cơ bệnh tật, khả năng lây nhiễm, từ đó tiêm chủng thường xuyên. Thanh Mai (35 tuổi), giáo viên mầm non tại TP HCM, thường xuyên bị ho nhiều, đau họng, mệt mỏi khi chưa tiêm vaccine. Mỗi lần ốm, Mai không đủ sức khỏe để đứng lớp nên phải nghỉ làm một tuần. Lớp học cũng có một vài học sinh bị lây bệnh và nghỉ học.
Chị thường xuyên bế trẻ em, chăm sóc toàn diện trong thời gian một ngày. Nếu cô giáo mắc bệnh, các em bé cũng dễ bị lây nhiễm. Việc tiêm vaccine mỗi năm giúp Mai vừa bảo vệ bản thân, vừa bảo vệ học sinh.

Chủng ngừa là biện pháp tránh lây nhiễm bệnh cho cộng đồng. Ảnh: Thanh Thanh
Còn Vân Anh (36 tuổi, TP HCM), điều dưỡng phục hồi chức năng tại một bệnh viện ở quận 10, chích ngừa vào tháng 10 hàng năm.
"Công việc của tôi phải tiếp xúc, hỗ trợ bệnh nhân vận động, trong đó có những người vẫn còn rất yếu sau phẫu thuật, sức đề kháng kém. Vaccine giúp tôi phòng bệnh cho mình và mọi người", Vân Anh nói.
Bác sĩ Chính nhận định bối cảnh trong nước chỉ ra vaccine cúm cần thiết. Theo nghiên cứu của Tạp chí y khoa The Lancet năm 2022, tỷ lệ mắc cúm tại Việt Nam là hơn 3.700 ca trên 100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới. Các chủng virus cúm phổ biến nhất ở Việt Nam là A (H3N2), A (H1N1), B và C.
Giới chức cũng từng ghi nhận hàng loạt ca mắc cúm xảy ra ở môi trường học đường và bệnh viện. Tháng 10/2022, Bắc Kạn ghi nhận hơn 700 học sinh phải nghỉ học do ốm, sốt; trong đó 109 trẻ phải nhập viện và 1 em đã tử vong do virus cúm B. Tháng 3/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM phát hiện ổ cúm A/H1N1 tại quận 10 khiến 20 học sinh phải nghỉ học. Năm 2018, Khoa Nội soi của Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) phát hiện 16 bệnh nhân và nhân viên y tế xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1.

Môi trường giáo dục, tiếp xúc trẻ nhỏ dễ lây lan virus cúm, cần chủng ngừa để phòng bệnh. Ảnh: Gogreenva
Vì vậy, bác sĩ Chính khuyến cáo giáo viên, nhân viên y tế tiêm ngừa ngay khi có thể. Mọi người chỉ cần một liều, sẽ sinh miễn dịch sau khoảng 2 tuần. Những người có bệnh nền, phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi... cũng được khuyến cáo tiêm chủng để bảo vệ sức khoẻ.
Theo bác sĩ Chính, chủng virus cúm thay đổi theo từng năm, do đó vaccine cúm cũng được cập nhật tương ứng. Mọi người cần tiêm nhắc lại vaccine cúm mỗi năm một lần, để duy trì miễn dịch và nồng độ kháng thể bảo vệ cao.
Hiện VNVC cung cấp vaccine cúm tứ giá thế hệ mới phòng ngừa 4 chủng virus gồm A (A/H1N1, A/H3N2) và B (Yamagata và Victoria). Trong đó, vaccine tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm...
Nhật Linh