Ngày 6/2, TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết do bộ phận sinh dục bất thường, tia nước tiểu bắn vào trong đùi và tầng sinh môn của bé thay vì đi thẳng. Bé còn có khối thoát vị bẹn khổng lồ chứa ruột và mạc nối ruột, gây khó chịu khi ho, rặn khi tiểu hoặc đi tiêu.

Bé nhập viện khi 8 tháng tuổi vì đau vùng bẹn, khối thoát vị có nguy cơ nghẹt. Bác sĩ Thạch cùng BS.CKI Nguyễn Hiền, Khoa Ngoại tổng hợp, cùng êkíp phẫu thuật cùng lúc xử trí thoát vị bẹn và cong dương vật.

Sau mổ, bệnh nhi hồi phục tốt, dương vật thẳng, da che phủ đều đẹp, tia tiểu lớn, thẳng, bay xa. Tình trạng thoát vị bẹn, sưng phồng to trước đó không còn nữa, bìu xẹp hẳn như trẻ bình thường. Bé vừa được xuất viện sau hai ngày phẫu thuật.

"Đây là trường hợp khó vì dương vật trẻ còn nhỏ phải phẫu tích rất tỉ mỉ, tránh tổn thương niệu đạo, thần kinh, mạch máu vùng dương vật", bác sĩ nói. Ngoài ra, túi thoát vị ở bẹn rất to, nằm cạnh bó mạch ống dẫn tinh, phẫu thuật phải thật chính xác tránh tổn thương các cấu trúc lân cận. Bác sĩ phải thực hiện nhanh, gọn, tránh kéo dài thời gian gây mê ở trẻ nhỏ.

ba-c-si-pha-u-thua-t-173882096-7634-4214-1738821209.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5Uq1R2Oxf1b_7qFhWTRVtg

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Thạch, hàng năm bệnh viện thường tiếp nhận nhiều bé có bệnh lý thoát vị bẹn hay cong dương vật. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhi mang cả hai thương tổn cùng lúc khá hiếm gặp, nhất là tình trạng cong dương vật rất nặng hình "dấu hỏi".

Cong dương vật bẩm sinh là tình trạng cong do sự phát triển không đồng đều của các cấu trúc bên trong từ khi sinh ra, dễ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ và chức năng tình dục sau này. Tình trạng này có thể điều trị triệt để bằng phẫu thuật chỉnh tật cong, tuổi phẫu thuật phù hợp nhất là 6 tháng đến 18 tháng tuổi. Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý trẻ. Sau mổ, trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, có thể phát triển như các bạn bình thường khác.

Thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh do xuất hiện một ống thông nhỏ từ phần ổ bụng xuống dưới vùng bẹn, khiến dịch ổ bụng hoặc ruột chạy xuống, tạo thành khối phồng to ở bẹn. Bệnh có thể ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ và gây những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời như tắc hoại tử ruột, chèn ép gây thiếu máu tinh hoàn, teo tinh hoàn trong trường hợp thoát vị bẹn nghẹt. Hầu hết trẻ nhập viện trong tình trạng đau bìu bẹn, tức có nguy cơ nghẹt.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chú ý các dấu hiệu khác thường ở trẻ, nhất là bộ phận sinh dục hoặc vùng bẹn, bìu. Nên đến bác sĩ chuyên khoa niệu nhi ngay khi phát hiện bất thường. Việc phẫu thuật kịp thời giúp giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022