Thông tin được giáo sư Stephen Baker, Đại học Cambridge (Anh), nói tại hội nghị khoa học quốc tế lần 1, TP Thủ Đức, ngày 10/8. Ông cho rằng thế giới đang ở thời kỳ không có nhiều lựa chọn thuốc kháng sinh, một thuốc mới đưa ra thị trường chừng 3 năm thì đề kháng kháng sinh xuất hiện.

Kháng kháng sinh là vấn đề lớn của châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, nơi việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi rất phổ biến. Trong hơn 10 năm phối hợp nghiên cứu tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, giáo sư nhận thấy vấn đề nổi cộm là việc tiếp cận kháng sinh của người dân quá dễ dàng.

"Đây là một tai họa", ông nói. Đơn cử, vi khuẩn klebsiella pneumoniae thường trú đường ruột ở người, đã trở nên kháng kháng sinh và gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng. Nhiều vi khuẩn đang kháng tất cả loại thuốc hiện có, đôi khi kết hợp nhiều loại mới điều trị cầm cự được.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, cho biết sau "kỷ nguyên vàng" (khoảng thập niên 50-60), các kháng sinh được phát minh càng lúc càng ít, hiệu quả kém dần theo thời gian. Hiện nay, 5-10 năm mới có một kháng sinh mới và đa số vi khuẩn đều sẽ kháng thuốc sau một thời gian ngắn từ lúc thuốc ra đời.

"Các dòng vi khuẩn kháng thuốc liên tục xuất hiện", bác sĩ Châu nói. Điều này tạo nên gánh nặng dịch bệnh trong tương lai, khiến bệnh nhiễm trùng vẫn là thách thức bất tận toàn cầu. Tác nhân gây bệnh luôn tiến hóa, từ đó con người phải liên tục đối diện với nhiều dịch bệnh mới trỗi dậy hoặc tái trỗi dậy.

233A6052-1854-1723343999.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Z52b8Q-Sdzgkw9dMij5YEw

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM - tuyến cuối về các bệnh lây nhiễm. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang đứng trong nhóm những nước có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất thế giới. Phần lớn kháng sinh được bán tại nhà thuốc không có đơn của bác sĩ, trong khi những người bán thuốc lại thường không có kinh nghiệm.

Một số người đi khám, sử dụng kháng sinh theo chỉ định bác sĩ nhưng thấy chỉ cần uống thuốc 2-3 ngày thấy hiệu quả, khỏi rồi thì tự động ngưng thuốc, không uống đủ liều. Điều này cũng là sử dụng kháng sinh sai, bừa bãi, ảnh hưởng hậu quả sau này. Hoặc có người đi khám bác sĩ này, uống một vài ngày chưa thấy đỡ lại đi khám bác sĩ khác, được cho đơn thuốc khác, đổi thuốc liên tục, gây nhiều nguy cơ về đề kháng kháng sinh.

Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó có 1,4 triệu trẻ em. Nếu kháng thuốc, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng ở tất cả các nhóm tuổi. Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến năm 2050 chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100 nghìn tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong trong mỗi năm. Hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương với khủng hoảng tài chính.

Các chuyên gia cho rằng cần có chiến lược tiếp cận vấn đề này bao quát trên nhiều "mặt trận" khác nhau. Theo bác sĩ Châu, nghiên cứu khoa học là biện pháp không thể thay thế để ứng phó lại các đợt bùng phát của những tác nhân gây bệnh.

Khi có vấn đề sức khỏe, cần đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Chỉ mua và sử dụng kháng sinh theo đơn, theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Dùng kháng sinh đủ liều, đủ thời gian, không bỏ dở giữa chừng khi thấy sức khỏe khá hơn. Không sử dụng kháng sinh thừa của lần điều trị trước, hoặc thuốc theo đơn của người khác.

Phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay, che miệng khi ho, hắt hơi, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn, hạn chế tiếp xúc người bệnh, tiêm chủng đúng hạn... Nâng cao sức khỏe để chống lại bệnh tật như tập thể dục thường xuyên, cung cấp dinh dưỡng đấy đủ chất, ngủ đủ giấc, rèn luyện thói quen sống lành mạnh.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022