Vài tuần gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận hàng chục ca bệnh tổn thương da do kiến ba khoang đốt. Nhiều trường hợp tổn thương da bỏng rát, đỏ, loét, bội nhiễm. Hầu hết bệnh nhân đều tự điều trị tại nhà nhưng không đỡ, đến khi tổn thương nặng, lan rộng mới đến viện.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Hội Da liễu Việt Nam, cho biết viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là bệnh thường gặp vào mùa mưa, xuất hiện ở vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân vào buổi sáng sau một đêm ngủ dậy.

Kiến ba khoang gây bệnh không phải đốt mà do dịch tiết ra, dính vào da, gây viêm da tiếp xúc tại chỗ. Cơ thể kiến chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ, nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn, song sẽ khiến vùng da tiếp xúc tổn thương nặng, bỏng rát, cháy.

Ban đầu, bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, căng da. Sau 6-12 giờ, vùng đốt sẽ hơi sưng nề, đỏ cộm thành vệt kèm nổi mụn nước to nhỏ không đều. 1-3 ngày sau sẽ hình thành phỏng nước, mủ, cảm giác đau, rát càng tăng. Người bệnh có thể bị tổn thương lan tỏa vùng lân cận, sốt, khó chịu toàn thân, gây bội nhiễm da, tăng sắc tố sau viêm.

Nếu được trị thì sau một tuần sẽ hết. Điều trị muộn, tổn thương da có thể để lại sẹo đỏ đến nhiều tháng mới hết. Độc tố của chúng dính vào mắt có thể gây viêm kết mạc và sưng nề phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.

Bác sĩ Thành nói cần phân biệt viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bệnh zona thần kinh, bởi đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Chẩn đoán nhầm, sử dụng thuốc sai sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị, có thể khiến bệnh nặng và quá trình phục hồi lâu hơn.

Bệnh zona thần kinh là do virus gây ra, ảnh hưởng đến da và thần kinh. Bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhức tại chỗ nhiều hơn ở vùng tổn thương. Bệnh biểu hiện là những đám mụn nước, bóng nước căng chứa dịch trong, mọc thành chùm trên nền da đỏ, phân bố một bên cơ thể và theo đường đi của dây thần kinh, hay gặp ở vùng ngực, đầu mặt cổ và vùng mông đùi. Ngoài ra, bệnh nhân có thể mệt mỏi, sốt, nhức đầu... Khi khỏi bệnh có thể để lại cơn đau sau zona dai dẳng làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh.

kie-n-ba-khoang-1632971426-163-7705-5005-1731486963.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zBUrsVJDsE0i45xoKFU8lQ

Sang thương do kiến ba khoang thường xuất hiện thành từng vệt. Ảnh: Lan Anh

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo mọi người nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Trước khi ngủ cần quét lại nhà để sạch nền nhà và mắc màn ngủ tránh côn trùng. Khi môi trường mật độ kiến ba khoang nhiều, phun thuốc diệt kiến tồn lưu trên vách tường trong và ngoài nhà có tác dụng xua, diệt chúng.

Bác sĩ Thành cảnh báo không dùng tay không chạm vào hoặc đập kiến, thay vào đó, hãy dùng khăn giấy hoặc vật dụng để loại bỏ. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da, phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác. Sau đó, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

"Tuyệt đối không đắp lá, đắp các bài thuốc chưa được kiểm chứng hoặc bôi thuốc sát trùng có chứa i-ốt, cồn sẽ làm vết thương nặng thêm, tăng nguy cơ bội nhiễm", bác sĩ khuyến cáo.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022