0h ngày 8/9, điều dưỡng Nguyễn Thúy Lan, 33 tuổi, nhận được cuộc gọi từ gia đình ở khu vực Kim Văn, Kim Lũ, quận Hoàng Mai.

"Cấp cứu, con tôi sắp sinh rồi", người phụ nữ hét lên qua điện thoại.

Thấy tình huống cấp bách, chị Lan liền điều phối xe cứu thương, song các xe ở khu vực bán kính 1-2 km đều bận rộn thực hiện nhiệm vụ khác. Đơn vị buộc phải liên hệ xe từ khu vực Thanh Trì, cách 5-10 km.

Chưa đầy một phút sau, chuông điện thoại reo lên, người nhà báo "đầu trẻ đã ra khỏi 'cửa mình' người mẹ". Chị Lan yêu cầu người nhà gọi video cho mình.

"Đập vào mắt là hình ảnh đầu em bé tím tái, còn cơ thể vẫn mắc kẹt", nữ điều dưỡng kể lại.

Chị yêu cầu người nhà chuẩn bị khăn sạch, giấy sạch, giữ đầu và vai đứa bé. Đối với sản phụ, chị động viên bình tĩnh, hít thở đều theo nhịp. Sự sống của thai nhi lúc đó đã như chỉ mành treo chuông, không thể kéo dài. Nữ điều dưỡng quyết "đỡ đẻ qua mạng".

"Giữ đầu em bé, chuẩn bị rặn", chị Lan nói lớn qua điện thoại, đếm nhịp để sản phụ sinh con tại nhà.

Một vài phút trôi qua, em bé được đưa ra ngoài nhưng không khóc, toàn thân tím tái. Điều dưỡng cố gắng giữ bình tĩnh, tiếp tục hướng dẫn gia đình cách ép tim, lấy đờm dãi trong miệng, kích thích vào chân... để trẻ lấy lại sự sống.

"Khoảng vài phút sau, trẻ khóc lớn, tôi thở nhẹ nhõm", chị Lan kể. Cùng lúc này, xe cứu thương đến nơi, nhanh chóng đưa sản phụ đến bệnh viện an toàn.

"Đây là lần đầu tiên tôi đỡ đẻ qua điện thoại. Tôi cảm thấy biết ơn vì bé trai và người mẹ đã mạnh mẽ vượt qua thời khắc sinh tử này", nữ điều dưỡng nói.

Hiện hai mẹ con sản phụ điều trị tại Bệnh viện Bưu điện, sức khỏe ổn định.

z5812655783875-a85ca84ef0b187f-2377-3012-1725870940.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9oE_qj_VF9-kZBbUH9nszA

Chị Lan và đồng nghiệp biết ơn vì em bé chào đời an toàn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong hai ngày qua, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đáp ứng hơn 100 lượt yêu cầu cấp cứu, phục vụ 83 bệnh nhân cấp cứu, vận chuyển 15 bệnh nhân tới viện.

Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, phân công ba người trực thay vì một người như ngày bình thường. Đơn vị huy động 16 xe cấp cứu, hoạt động 24/24 để ứng cứu. Hơn 50 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế... trắng đêm làm việc. Ngoài ra, đơn vị hỗ trợ vận chuyển cho xe cấp cứu từ các tỉnh khác đến bị mưa bão nước ngập chặn đường.

Bão Yagi đổ bộ miền Bắc đã làm 24 người chết, 3 người mất tích, trong đó Lào Cai 6, Quảng Ninh 5, Hà Nội và Hòa Bình mỗi tỉnh thành 4 người chết.

Thống kê đến tối 8/9 của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng như một số địa phương cho thấy cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm qua đã làm 24 người chết, chủ yếu do sạt lở đất, cây đổ đè trúng người.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022