Số liệu được Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội công bố nhân Ngày quốc tế điều dưỡng, 12/5, là kết quả nghiên cứu được tiến hành năm 2024, với 300 điều dưỡng của khối lâm sàng. Thời gian làm việc kéo dài và vai trò trong gia đình là hai yếu tố quan trọng liên quan đến tình trạng kiệt sức của điều dưỡng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 44% điều dưỡng có mức độ kiệt sức nghề nghiệp từ trung bình tới cao. Thời gian làm việc trên 8 tiếng/ngày làm tăng nguy cơ kiệt sức lên 3,2 lần. Vai trò trụ cột gia đình làm tăng nguy cơ kiệt sức lên 1,76 lần.

72,7% điều dưỡng được điều tra là nữ. Theo đánh giá, điều dưỡng nữ thường có mức độ kiệt sức cao hơn nam bởi áp lực công việc và vai trò gia đình. Trong ca trực, họ cũng phải làm nhiều công việc chăm sóc bệnh nhân hơn đồng nghiệp nam. Tính chất công việc chăm sóc người bệnh không kể ngày đêm nên đa phần nhân viên y tế phải trực đêm. Có 80% điều dưỡng phải trực đêm thường xuyên.

Tình trạng kiệt sức của điều dưỡng Bệnh viện Việt Đức tương đương với đồng nghiệp tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, tỷ lệ 41,3% vào năm 2022.

Kiệt sức nghề nghiệp là một trạng thái suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần khi các biện pháp đối phó không hiệu quả trong công việc. Nó là kết quả của quá trình phơi nhiễm kéo dài với căng thẳng liên quan đến công việc. Điều này làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến việc chăm sóc bệnh nhân.

Theo nhóm nghiên cứu, căng thẳng trong công việc của điều dưỡng bệnh viện bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau ở cấp độ cá nhân và tổ chức, bao gồm cả năng lực chuyên môn. Những thay đổi về thời gian làm ca có tác động đáng kể đến nhu cầu của điều dưỡng bệnh viện, từ đó gây căng thẳng trong công việc.

Hơn nữa, căng thẳng công việc của điều dưỡng còn bao gồm vấn đề sức khỏe, thể chất, tinh thần, kiệt sức và tăng ý định luân chuyển. Điều này làm giảm hiệu quả công việc và giảm năng suất, hài lòng của bệnh nhân.

1-1747043656-1747043698-8088-1747043831.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Y6VPEoPzotOfkTbNgSlObg

Điều dưỡng Bùi Văn Quyền chăm sóc người bệnh ung thư tại Bệnh viện K. Ảnh: Mạnh Trần

Điều dưỡng Bùi Văn Quyền, làm việc tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện K, chia sẻ "rất vất vả" sau 17 năm gắn bó với những người bệnh ung thư nặng, cần chăm sóc hồi sức tích cực. Mỗi ngày, công việc của anh và các đồng nghiệp là chăm sóc bệnh nhân thở máy, lọc máu, bệnh nhân hạ thân nhiệt... Nhất là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, điều dưỡng không chỉ chăm sóc về y khoa, mà còn phải là người tư vấn tâm lý cho người nhà bệnh nhân.

Vừa áp lực về chuyên môn, điều dưỡng cũng phải chịu áp lực từ bên ngoài như người nhà bệnh nhân xúc phạm nói to tiếng, có những lời lẽ thiếu kiểm soát. "Có vất vả, áp lực, nhưng sự hồi phục của người bệnh là sự động viên lớn nhất giúp chúng tôi tiếp tục yêu nghề", anh Quyền chia sẻ.

Ông Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh cho biết đội ngũ điều dưỡng luôn có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới khẳng định điều dưỡng là bộ phận sống còn của hệ thống y tế. Tại Việt Nam, điều dưỡng chiếm 60-70% nhân lực tại các cơ sở y tế và là lực lượng gắn bó thường xuyên nhất với người bệnh suốt quá trình điều trị. Theo Bộ Y tế, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam cần khoảng 260.000 điều dưỡng, nhưng hiện tại mới chỉ có 150.000, dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong ngành.

"Đội ngũ điều dưỡng cần được tăng cường nâng cao năng lực chuyên môn, được cải thiện và đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế", ông Dương kiến nghị.

Ngày 12/5 hàng năm được chọn là Ngày điều dưỡng quốc tế nhằm tôn vinh những đóng góp không thể thay thế của đội ngũ này.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022