Lòng se điếu (một dạng phèo) là phần đặc biệt của ruột non lợn, có hình dạng xoắn lại giống chiếc điếu cày, bên trong chứa lớp bột màu trắng. Đây được xem là phần ngon, bùi, giòn, rất được ưa chuộng trong ẩm thực truyền thống. Phần lòng se điếu hảo hạng nhất thường nằm ngay đoạn đầu ruột non, sát dạ dày.

So với lòng non thông thường, lòng se điếu có kết cấu săn chắc, đàn hồi tốt, không bị teo tóp nhiều khi luộc hoặc hấp và giữ màu trắng bóng đẹp.

Không phải con lợn nào cũng có loại lòng này; chỉ những con đực đang phát triển mới hình thành phần se điếu, khiến nguồn cung trở nên hạn chế so với các loại lòng khác, đồng thời đẩy giá thành lên cao.

Do lòng se điếu khan hiếm, nhiều nơi đã sử dụng hóa chất để tạo ra sản phẩm giả, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người dùng. Một số hóa chất như oxy già, phèn chua thường được dùng để ngâm, làm cho bề mặt ruột trắng, cứng nhưng đều nguy hiểm nếu sử dụng với nồng độ cao hoặc ngâm lâu vì có thể ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Trong đó, formol là chất cấm tuyệt đối trong thực phẩm, thường bị lạm dụng để kéo dài thời gian bảo quản nhờ khả năng diệt vi sinh vật.

Một số dấu hiệu nhận biết lòng se điếu giả

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, lòng heo thật dù đã sơ chế kỹ vẫn có độ dai tự nhiên, màu trắng ngà và vẫn còn mùi đặc trưng. Ngược lại, lòng đã xử lý bằng hóa chất thường trắng tinh, giòn gắt, không mùi và thậm chí có thể dễ vỡ vụn khi bóp nếu bị ngâm hóa chất quá mức.

Một số đặc điểm có thể giúp người tiêu dùng nhận diện lòng se điếu giả như:

  • Màu sắc: Lòng se điếu giả thường có màu trắng bệch, đều màu bất thường, không có gân máu hay phần mỡ tự nhiên.
  • Độ giòn: Giòn một cách bất thường, thậm chí có cảm giác "giòn gắt", khác hẳn độ dai tự nhiên của nội tạng đã luộc chín.
  • Mùi: Không có mùi đặc trưng của lòng heo, đôi khi có mùi nhẹ của hóa chất.
  • Bề mặt: Trơn nhẵn quá mức, đôi khi có cảm giác hơi dính hoặc như phủ lớp keo.

Ngoài ra, cần cẩn trọng nếu lòng bán sẵn có màu trắng sáng bất thường. Lòng ngâm trong nước lâu nhưng không bị nhũn, không đổi màu như thông thường. Mức giá thấp bất thường hoặc quá cao so với thị trường bởi khả năng lòng được "tân trang" để bán với giá cao hơn.

lo-ng1-1746754038-1746754062-2279-1746755123.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=txx7tTF6K8l7wUssjP_Hug

Lòng se điếu được quảng cáo tràn lan trên mạng. Ảnh chụp màn hình

Nguy cơ khi ăn lòng lợn thường xuyên

Bên cạnh nguy cơ từ lòng se điếu giả, bản chất lòng lợn thật - được nuôi theo tiêu chuẩn và sơ chế kỹ lưỡng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu ăn thường xuyên.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trong lòng lợn, phần ruột non chứa nhiều protein, chất béo, các loại vitamin và khoáng chất nhưng làm lượng axit uric trong máu tăng cao, dẫn đến hình thành và tích lũy các tinh thể urat rắn sắc nhọn trong khớp ngón chân, tay, tạo ra những cơn đau dữ dội kèm theo sưng, nóng, đỏ xung quanh.

Những người mắc bệnh gout nếu để tái phát nhiều lần sẽ khiến khớp bị phá hủy. Nhiều bệnh nhân bị sỏi tiết niệu do tinh thể urat lắng đọng, gây tắc nghẽn dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, suy chức năng thận...

Lượng cholesterol rất cao trong lòng lợn, nhất là cholesterol xấu, có thể làm mỡ máu tăng vọt. Vì vậy, những người mỡ máu cao thì không nên ăn lòng lợn, hoặc chỉ nên ăn vài miếng. Đây cũng là món cần hạn chế với những người có bệnh tim mạch và chuyển hóa khác như xơ vữa động mạch, tiểu đường.

Lòng lợn chứa nhiều chất béo nên khó tiêu hóa hơn, không phù hợp với những người đang bị rối loạn tiêu hóa, đang có bệnh nhiễm khuẩn đường ruột hoặc người "bụng yếu", hay đau bụng, đi ngoài.

Ngoài ra, người béo phì, thừa cân cũng không nên ăn lòng vì thực phẩm này có lượng calo cao. Món ăn này cũng không tốt cho người bị cảm, cúm vì dễ gây đầy bụng, khó tiêu, cơ thể đang yếu sẽ càng mệt.

Ngoài ra, lòng lợn non thông thường cũng chứa các chất gây ô nhiễm từ thức ăn hoặc môi trường, đặc biệt khi con vật không được nuôi và chế biến đúng cách. Còn ruột già chứa chất thải của quá trình tiêu hóa, ngoài ra còn hấp thụ nước và chất dinh dưỡng còn lại. Vì thế bộ phận này có nguy cơ ô nhiễm cao.

Ăn phải lòng tẩm formol pha loãng hoặc phèn chua thường xuyên khiến cơ thể tích tụ chất độc. Người ăn phải có thể bị mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, vàng da, rối loạn men gan... là dấu hiệu của ngộ độc gan hoặc suy gan mạn. Người dùng còn có nguy cơ bị đau bụng dữ dội, nôn ói, viêm cấp tính dạ dày, ruột, thậm chí tăng nguy cơ ung thư nếu tiếp xúc lâu dài.

Lưu ý khi ăn lòng lợn

Theo PGS Tuấn, dù chọn loại nào, vẫn cần quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi cả lòng non và lòng già đều ẩn chứa nguy cơ đối với sức khỏe.

Mọi người cần mua lòng ở những địa chỉ uy tín, chọn được nội tạng của những con vật khỏe mạnh, sơ chế thật sạch trước khi chế biến. Đặc biệt, dù là ruột non hay ruột già, cũng không nên ăn quá nhiều.

Khi ăn, đảm bảo lòng lợn được nấu chín đầy đủ. Sử dụng nhiệt độ cao và thời gian nấu đủ để tiêu diệt vi khuẩn, giun sán có thể tồn tại. Nội tạng động vật nên được chế biến và thưởng thức nóng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu không sử dụng ngay, hãy bảo quản lòng trong tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022