Trong thế giới của các sản phẩm làm đẹp, collagen được xem là "người bạn đồng hành" của phụ nữ hiện đại từ viên uống, bột pha nước đến dạng thạch tiện lợi...
Dù collagen được đánh giá là khá an toàn với người khỏe mạnh, một số nhóm phụ nữ vẫn cần hết sức thận trọng khi sử dụng, đặc biệt dưới dạng bổ sung. Những tác dụng phụ tiềm ẩn không đến ngay lập tức, nhưng có thể âm thầm gây ra gánh nặng chuyển hóa, tổn thương nội tạng hoặc làm trầm trọng thêm bệnh lý nền.

Dưới đây là 5 nhóm phụ nữ được khuyến cáo nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng collagen dưới mọi hình thức.
Collagen tốt cho da, cho tóc nhưng 5 nhóm người không nên dùng
1. Phụ nữ có bệnh gan: Khi collagen trở thành áp lực cho “nhà máy chuyển hóa”
Gan là cơ quan đóng vai trò chính trong việc chuyển hóa protein. Nếu chức năng gan bị tổn thương như ở người viêm gan, xơ gan, suy gan, việc bổ sung collagen không chỉ vô ích mà còn nguy hiểm.
Tiến sĩ Rachel Wong (chuyên gia về bệnh gan tại Bệnh viện Đại học Queensland, Australia), cảnh báo: "Gan yếu không thể xử lý toàn bộ lượng axit amin từ collagen, khiến một phần chuyển hóa bị đình trệ, làm tăng nguy cơ tích tụ ammonia trong máu một tình trạng có thể dẫn tới rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê gan".
2. Phụ nữ mắc bệnh thận: Cẩn trọng với gánh nặng protein

Collagen là một dạng protein. Khi cơ thể tiêu hóa collagen, nó sẽ tạo ra các sản phẩm chuyển hóa như ure, creatinine - vốn phải được đào thải qua thận. Với người mắc bệnh lý thận như suy thận, viêm cầu thận hay sỏi thận, điều này đồng nghĩa với việc làm tăng gánh nặng cho cơ quan vốn đã suy yếu.
Theo Tiến sĩ Jessica B. Cording (chuyên gia dinh dưỡng tại New York, Mỹ), bổ sung protein bao gồm collagen có thể khiến chức năng lọc thải của thận bị quá tải, dẫn đến tích tụ độc tố trong cơ thể.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ năm 2021 cũng cảnh báo việc tiêu thụ protein bổ sung quá mức ở người có nền thận yếu làm tăng nguy cơ tiến triển sang suy thận mạn tính. Trong trường hợp này, làm đẹp có thể trở thành gánh nặng cho sức khỏe.
3. Người dị ứng với protein động vật
Phần lớn collagen trên thị trường hiện nay được chiết xuất từ da, xương của bò, heo hoặc cá biển sâu. Những ai có cơ địa dị ứng với protein động vật (đặc biệt là cá) có thể đối mặt với nguy cơ phản ứng dị ứng từ nhẹ như nổi mề đay đến nặng như sốc phản vệ.
Chuyên gia dị ứng học tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai (Mỹ) khuyến cáo: "Luôn kiểm tra thành phần chi tiết trên nhãn và thử liều rất nhỏ trước khi sử dụng lâu dài. Không nên xem nhẹ những phản ứng đầu tiên của cơ thể".
4. Phụ nữ đang điều trị ung thư hoặc có tiền sử ung thư: Tuyệt đối không dùng tùy tiện
Collagen không phải là "thủ phạm" gây ra ung thư, nhưng cũng không thể xem là vô hại với bệnh nhân đang điều trị. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, mọi loại thực phẩm chức năng bao gồm collagen đều có thể gây tương tác với thuốc hóa trị, làm suy giảm hiệu quả điều trị hoặc kích thích miễn dịch bất thường.
Một số chuyên gia lo ngại collagen chiết xuất từ động vật không rõ nguồn gốc có thể chứa hormone tăng trưởng hoặc kim loại nặng - các yếu tố được xem là “tiềm tàng rủi ro” trong một số cơ chế hình thành ung thư. Vì vậy, việc sử dụng collagen ở nhóm bệnh nhân này cần được giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa.
5. Người bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông
Collagen có liên quan mật thiết đến quá trình hình thành mô, làm lành vết thương và tạo cấu trúc cho mạch máu. Trong một số trường hợp, nó có thể ảnh hưởng đến cơ chế đông máu hoặc tương tác với thuốc chống đông.
Các chuyên gia huyết học cảnh báo rằng collagen dù là dạng tự nhiên có thể làm thay đổi tốc độ tái tạo mô hoặc ảnh hưởng đến độ nhớt của máu khi dùng cùng thuốc chống đông. Điều này tiềm ẩn nguy cơ chảy máu kéo dài hoặc hình thành cục máu đông bất thường.
Khi sử dụng collagen, phụ nữ nên lưu ý

Luôn đọc kỹ thành phần, kiểm tra nguồn gốc và tiêu chuẩn sản xuất của sản phẩm.
Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang có bệnh nền hoặc dùng thuốc điều trị.
Ưu tiên collagen peptide (collagen thủy phân) vì dễ hấp thu hơn và ít gây gánh nặng chuyển hóa.
Tận dụng nguồn collagen tự nhiên qua thực phẩm như cá hồi, nước hầm xương, trứng, đậu nành... thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thực phẩm chức năng.