Trả lời:
Sắn có chứa độc chất Acid cyanhydric, có thể gây ngộ độc nếu sơ chế không đúng cách. Biểu hiện thường gặp như rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, sôi bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Nhiều người bị rối loạn thần kinh, ù tai, chóng mặt, ngứa ngáy, chân tay nặng, run, co giật, thậm chí tử vong. Tại Việt Nam, nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc sắn.
Để loại bỏ độc tố, bạn nên lột hết vỏ sắn, làm sạch, gọt bỏ hai đầu, cắt miếng vừa ăn, rồi ngâm vào nước. Nên dùng nước lạnh hoặc nước vo gạo, ngâm từ một đến hai tiếng. Không nên ngâm quá lâu có thể gây hỏng, ôi thiu. Nếu không ngâm, bạn có nguy cơ bị ngộ độc, nhẹ thì dị ứng, khó tiêu, choáng; nặng có thể rối loạn thần kinh, co giật... rất nguy hiểm sức khỏe. Ngâm sắn giúp loại bỏ nhựa bên ngoài, giảm vị đắng.
Khi ăn, bạn không nên ăn sắn cao sản vì chứa hàm lượng độc tố cao. Không ăn sắn có vị đắng. Khi luộc, mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt. Trẻ nhỏ, người già không nên ăn sắn. Khi luộc sắn cần luộc kỹ, không ăn sắn sống.
Nên ngâm sắn trước khi luộc khoảng vài tiếng để bỏ độc tố, giảm vị đắng. Ảnh: Bùi Thủy
PGS.TS Nguyễn Duy ThịnhNguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội