"Tôi từng trải qua những sáng thức giấc phải lo dọn vảy ở giường, trời nóng nực vẫn phải mặc quần áo dài, đội mũ len chừa ra mỗi khuôn mặt", Hằng nói.

Cô chào đời khỏe mạnh, trong gia đình bố mẹ làm nông ở Đồng Nai. Đến 8 tuổi, sau một đợt sốt kèm ho nặng, phải uống thuốc rất nhiều, sau gáy cô xuất hiện đốm vảy nhỏ. Những mảng vảy dần lan rộng khắp người. Bố mẹ Hằng theo sự giới thiệu của mọi người, đưa con đi chạy chữa khắp nơi, thử đủ các phương pháp. Nhiều người cho rằng cô mắc bệnh chàm, phong cùi, ghẻ lở, viêm da.

Căn bệnh chưa được gọi tên, Hằng không hiểu tại sao bản thân lại có vẻ ngoài khác biệt mọi người. Cô trải qua thời học sinh nhiều tự ti, mặc cảm. Một số người lo sợ bệnh ngoài da sẽ lây nên nghi ngại khi tiếp xúc, khiến Hằng càng thu mình.

Có những thời điểm bệnh bùng phát dữ dội, trời nắng nóng, cô học trò mặc áo len, trùm kín đi học. Vảy dính vào tóc, cô phải cạo trọc đầu, thành "ni cô cóc ghẻ". Nhiều hôm vừa dùng chiếc lược dày chải vảy trên người, cô vừa rơi nước mắt. Không dưới chục lần, Hằng nghĩ đến cái chết, giải thoát cho bản thân khỏi đau đớn, bằng những thứ như khăn quàng đỏ, thuốc trừ sâu... Tuy nhiên, nghĩ đến ba mẹ, Hằng không đành lòng, sợ mình có hành động dại dột sẽ ảnh hưởng gia đình.

"Có lần mẹ vừa cạo tóc cho tôi vừa khóc, mẹ lỡ tay cắt vào da đầu rất đau nhưng có lẽ nỗi đau của mình không thể sánh bằng của mẹ, mãi sau này tôi mới nói với mẹ là nhờ cái đoạn cắt tóc này mà tôi tỉnh ra được", Hằng chia sẻ.

Năm 17 tuổi, Hằng tưởng đã chữa khỏi được bệnh, sau đợt uống một loại thuốc không rõ nguồn gốc. Da không còn tróc vảy, Hằng ăn ngon miệng, tăng cân không kiểm soát, người tròn trịa bất thường. Không ngờ, khi bị va quẹt xe, có vết thương hở, bệnh lập tức diễn tiến nặng. Trong vòng một đêm, vảy nến xuất hiện toàn thân, da khô nứt, phồng khắp người. Sau đó, vảy mọc dày nhanh chóng, cô dần kiệt quệ, không thể thở nổi, "tưởng chừng không thể qua khỏi". Hằng được thầy cô, bạn bè trong ký túc xá đưa đến Bệnh viện Da Liễu TP HCM cấp cứu vào ngày 7/10/2008.

Tỉnh dậy trong bệnh viện, cô thấy xung quanh là các y bác sĩ và ba mẹ. Lần đầu tiên, cô biết căn bệnh của mình có tên là vảy nến. Thuốc của cô uống có chứa corticoid, khi mới sử dụng da sẽ láng mịn nhưng khi ngưng thì bùng nặng thành đỏ da, toàn thân tróc vảy, kèm mụn mủ, sưng đau các khớp tay chân gây biến dạng.

Ths.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu, cho biết vảy nến chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu điều trị sớm, đúng cách, bệnh nhân vẫn có cuộc sống sinh hoạt gần như người bình thường. Bệnh viện tiếp nhận nhiều người do không biết bệnh như trường hợp của Hằng, hoặc biết bệnh nhưng sốt ruột chạy chữa khắp nơi, tin vào những quảng cáo "trị dứt điểm", dẫn đến biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.

Trong ba tháng điều trị tại viện giúp lột dần các lớp vảy, Hằng được các bác sĩ giải thích tận tình về bệnh, động viên rất nhiều, cảm thấy "không còn cô đơn trong căn bệnh của mình". Lang thang khắp các tầng bệnh viện, tiếp xúc mọi người, cô nhận ra có rất nhiều người mang những căn bệnh da liễu nặng nề, nguy hiểm hơn bệnh vảy nến của mình.

"Bệnh của em vốn lành tính, có thể kiểm soát, nhưng do ở quê không biết, uống thuốc tùm lum nên mới nặng như vậy", Hằng nói. Cô tham gia vào nhóm kết nối bệnh nhân đồng cảnh ngộ, mang tên "Những ngọn nến lung linh", cùng chia sẻ, động viên nhau vượt qua nghịch cảnh. Với căn bệnh này, việc giữ tinh thần thoải mái, lạc quan vô cùng quan trọng. Những nghĩ ngợi căng thẳng, stress chính là yếu tố làm bùng phát các cơn nặng, khiến bệnh càng khó kiểm soát hơn.

dsc01429-1730211197-4931-1730337398.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YF-7q5v7jIiFgVZyJbFNug

Bích Hằng với nụ cười rạng rỡ, tràn đầy năng lượng tích cực của hiện tại. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Rời viện về quê, Hằng càng chuyên tâm học hành, thi đỗ trường ĐH Ngân hàng TP HCM. Hiểu về bệnh, xác định bản thân phải gắn bó cùng, Hằng "lột xác" hoàn toàn khi lên đại học. Cô xung phong làm lớp trưởng, năng nổ trong các hoạt động đoàn hội, tham gia đội văn nghệ xung kích, nhờ thế dần trở nên tự tin. Những lúc biểu diễn văn nghệ trên sân khấu, nếu cần mặc váy ngắn, cô sẽ mang vớ da, đeo bao tay. Dù còn phải nhờ đến sự hỗ trợ của các phụ kiện, cô dần nhận ra mọi thứ chỉ tốt đẹp hơn khi tự mình vượt qua các giới hạn bản thân.

Với hạn chế ngoại hình, cô từng nghĩ ra trường chỉ có thể làm công việc văn phòng, xử lý hồ sơ giấy tờ trong ngân hàng. Trong kỳ thực tập, Hằng theo những người hướng dẫn đi gặp khách hàng, học hỏi dần từ các anh chị. Sau đó, nghe tin ngân hàng tuyển nhân viên, cô nộp đơn phỏng vấn, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ, để trở thành nhân viên chính thức.

Những thời điểm bệnh nặng, da khô nứt nhiều, đau đớn, cô băng gạc bên trong, mặc đồ công sở bên ngoài, tập trung vào công việc. Nhiều năm liền, người phụ nữ luôn là nhân viên xuất sắc, mang lại doanh số cao, từng bước chinh phục các vị trí quản lý và trở thành phó giám đốc chi nhánh.

Ở nơi làm việc, Hằng gặp được chồng - người chọn cô không vì vẻ ngoài mà bởi "sự lạc quan, nghị lực, khuôn mặt lúc nào cũng tươi tắn rạng rỡ, tràn đầy năng lượng". Suốt 7 năm qua, anh luôn kề cận bên cô trong mọi buồn vui, kể cả những đợt bệnh trở nặng, da sần sùi xấu xí.

Khoảng ba năm trước, Hằng tiếp cận thuốc sinh học - liệu pháp điều trị vảy nến tiên tiến nhất hiện nay. Từ đó, bệnh được kiểm soát khoảng hơn 85%, da không còn vảy, chỉ có những đốm sắc tố như thâm nám, đồi mồi.

"Da không thể trắng trẻo như bình thường, nhưng với cộng đồng bệnh nhân chúng tôi, việc sờ vào da không còn thấy sần sùi bởi vảy thì đã là điều hạnh phúc to lớn", Hằng nói. Mỗi tháng, tiền điều trị thuốc sinh học tốn hơn 9 triệu đồng sau trừ bảo hiểm y tế. Cô được hỗ trợ một nửa chi phí này nhờ chính sách bảo hiểm, hỗ trợ từ ngân hàng nơi công tác.

Vượt qua mặc cảm, Hằng dần biết ơn căn bệnh, bởi nhờ nó, cô chọn được bạn đời lý tưởng. Cô cũng có được những người bạn, đồng nghiệp thân thiết. "Tôi rất biết ơn chồng, gia đình hai bên, thầy cô, bạn bè, các sếp, đồng nghiệp, khách hàng đã đồng hành trong hành trình qua và những con đường sắp tới", Hằng nói, thêm rằng mong muốn được truyền cảm hứng tích cực đến người bệnh cùng cảnh ngộ.

"Thay vì suy nghĩ tiêu cực, than thân trách phận, nếu đón nhận với tâm thế tích cực, tập trung phát huy giá trị bản thân, kết quả nhất định sẽ tốt đẹp hơn", người phụ nữ chia sẻ.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022