Theo TS. Mai Thị Minh Tâm, nguyên Phó khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện E, bệnh lao xương được coi là lao thứ phát, do vi khuẩn lao sau khi qua phổi hoặc hệ thống tiêu hóa sẽ theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó của hệ cơ xương khớp.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh lao xương

thuc-pham-17216345668232057119357-1721773621692-17217736218541703925991.jpg

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phục hồi cho người bệnh lao xương.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh và duy trì hoạt động thể chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện sức khỏe tổng thể trong quá trình điều trị bệnh lao. Thuốc trị lao dễ gây giảm cân, vì vậy việc áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng với đủ lượng calo để duy trì cân nặng khỏe mạnh là điều quan trọng, đồng thời mang lại lợi ích sau:

Tăng cường hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch yếu là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lao xương. Chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại vi khuẩn lao.

Cải thiện mật độ xương: Canxi và vitamin D là hai dưỡng chất thiết yếu cho xương chắc khỏe . Bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D giúp tăng mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương do loãng xương.

Hỗ trợ quá trình điều trị: Một số loại thuốc điều trị lao xương có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Chế độ ăn phù hợp giúp giảm thiểu tác dụng phụ, hỗ trợ cơ thể hấp thu thuốc tốt hơn.

Nâng cao thể trạng: Bệnh lao xương có thể khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược. Chế độ ăn đầy đủ calo và protein giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, cải thiện thể trạng và sức khỏe tổng thể.

2. Một số chất dinh dưỡng cần thiết để xây dựng chế độ ăn cho người bệnh lao xương

Một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng đối với bệnh nhân lao vì nó có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Bệnh nhân lao nên áp dụng chế độ ăn uống cân bằng bao gồm đủ lượng calo, protein, vitamin và khoáng chất. Điều này có thể giúp cải thiện sự thèm ăn, ngăn ngừa giảm cân và hỗ trợ khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể.

Các yếu tố dinh dưỡng và lối sống đóng vai trò quan trọng trong điều trị và phục hồi bệnh lao. Duy trì cân nặng khỏe mạnh, duy trì hoạt động thể chất, kiểm soát tác dụng phụ của thuốc, thực hành kiểm soát căng thẳng và tự chăm sóc đều có thể góp phần mang lại kết quả tốt hơn cho bệnh nhân lao.

Bằng cách áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với sức khỏe của mình, bệnh nhân lao có thể hỗ trợ khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể và cải thiện sức khỏe tổng thể của họ.

Bác sĩ chuyên khoa I Doãn Hồng Phương cho biết, để xây dựng được một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bệnh nhân bị lao xương nên tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Bệnh nhân bị lao xương nên chú trọng bồi bổ, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng bệnh bằng những thực phẩm dưới đây:

Canxi: Canxi là khoáng chất thiết yếu cho xương chắc khỏe. Người bệnh lao xương nên bổ sung 1.000 - 1.200 mg canxi mỗi ngày từ các nguồn thực phẩm giàu canxi như: sữa, phomai, sữa chua, rau xanh lá đậm, cá mòi, cá hồi,…

Vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Người bệnh nên tắm nắng mỗi ngày 15 - 20 phút, hoặc bổ sung vitamin D qua thực phẩm như: cá béo, lòng đỏ trứng, nấm…

Protein: Protein là dưỡng chất cần thiết cho việc xây dựng và sửa chữa mô, bao gồm cả mô xương. Người bệnh nên bổ sung 0,8 - 1 g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Các thực phẩm giàu protein bao gồm: thịt nạc, cá, trứng, sữa, các loại đậu…

Vitamin và khoáng chất khác: Ngoài canxi, vitamin D và protein, người bệnh lao xương cũng cần bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất khác như vitamin K, vitamin C, magie, kẽm, sắt…

Chất béo: Chất béo trong chế độ ăn uống rất quan trọng giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Vai trò chính của chất béo là cung cấp năng lượng và hấp thụ vận chuyển các vitamin tan trong dầu mỡ. Các chất béo lành mạnh bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Các chất béo này có trong dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương, quả óc chó, quả bơ, các loại hạt; Các loại cá như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm…

Nước: Nước giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng đến xương và loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Người bệnh nên uống 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày.

3. Thực phẩm nên ăn, nên kiêng với người bệnh lao xương

Thực phẩm nên ăn

dong-vat-co-vo-17216352366231576049500-1721773623413-17217736235161076982142.jpg

Động vật có vỏ là một trong những thực phẩm người bệnh lao xương nên ăn.

Động vật có vỏ (hàu, hến, nghêu, sò…): Là thực phẩm giàu kẽm là một khoáng chất quan trọng tham gia vào quá trình xây dựng hệ miễn dịch, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa. Cơ thể được bổ sung đầy đủ kẽm sẽ giúp người bệnh có sức đề kháng tốt hơn, đồng thời cải thiện được tình trạng chán ăn.

Thịt nạc, trứng: Chất sắt rất cần thiết cho quá trình tái tạo các tế bào hồng cầu mới, giảm nguy cơ bị thiếu máu cho người bệnh. Bên cạnh đó, việc duy trì lưu lượng máu trong cơ thể còn đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất cho xương khớp, giúp ngăn chặn tình trạng phá hủy xương và làm nhanh lành tổn thương bên trong.

Các loại rau, trái cây chứa nhiều chất xơ (đậu Hà Lan, súp lơ, rau cải xanh, chuối, bơ, xoài…): Chất xơ không chỉ giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, cải thiện tình trạng chán ăn mà còn có tác dụng giảm lượng chất béo tích trữ trong cơ thể, thanh lọc độc tố và kiềm hóa nước tiểu. Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, nhất là rau xanh và trái cây vào thực đơn sẽ giúp giảm nhẹ được triệu chứng của bệnh lao xương, hạn chế tác dụng phụ do thuốc điều trị gây ra.

Cá béo (cá hồi, cá trích, cá thu, cá ngừ…): Cá béo giúp giảm viêm, tiêu sưng ở khu vực bị lao xương bằng cách cung cấp nhiều omega-3 cho cơ thể. Omega-3 là một chất béo lành mạnh, có khả năng ức chế hoạt động của các yếu tố gây viêm, đồng thời bảo vệ các mô khỏe mạnh, giảm thiểu tổn hại cho xương khi bị vi khuẩn lao tấn công.

Sữa chua: Bên cạnh nguồn canxi và vitamin D phong phú, sữa chua còn bổ sung nhiều probiotics giúp tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn, giúp người bệnh ăn uống ngon miệng hơn. Mỗi ngày người bệnh nên ăn 1 – 2 hũ sữa chua.

Thực phẩm nên kiêng

thuc-an-nhieu-dau-mo-17216353480181707797987-1721773623861-17217736239881484820101.jpg

Người bệnh lao xương không nên ăn thức ăn nhiều dầu mỡ.

Một số thực phẩm và đồ uống có thể khiến các triệu chứng của bệnh lao xương trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là những thứ người bệnh lao xương nên kiêng ăn:

Thức ăn nhiều dầu mỡ: Gà rán, khoai tây chiên, thịt chiên hay các món xào với nhiều dầu mỡ đều không tốt cho người bị lao xương. Các thức ăn này gây tăng cân khiến cơ thể nặng tăng sức ép lên xương khớp khiến xương bị hủy hoại nhanh hơn. Ngoài ra còn tăng mỡ trong máu gây viêm tại khu vực bị lao xương dẫn đến sưng phù, đau nhức nghiêm trọng hơn.

Đường tinh luyện: Bánh quy, kẹo, nước ngọt cũng là những thứ cần kiêng khi bị lao xương. Tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt có thể ảnh hưởng không tốt đến hệ miễn dịch, làm giảm khả năng tự tiêu diệt vi khuẩn lao trong cơ thể.

Thức ăn nhanh: Xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, hamburger sẽ khiến cơ thể được dung nạp một lượng lớn chất béo có hại.

Đồ hộp: Thực phẩm đóng hộp thường được bổ sung thêm chất bảo quản để kéo dài thời gian sử dụng không tốt cho sức khỏe của người bị lao xương.

Đồ uống có cồn, chất kích thích: Bia, rượu, cà phê có thể gây mất nước và cản trở quá trình hấp thụ canxi để tái tạo tổn thương tại khớp. Ngoài ra, những thức uống này còn có tính kích thích làm tăng nặng các triệu chứng khó chịu do bệnh lao xương gây ra, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, thoái hóa khớp.

Ăn mặn: Người bị lao xương nên hạn chế ăn muối và các món ăn quá mặn như cá muối, mắm, thịt cá kho… Tiêu thụ nhiều muối khiến thận bị quá tải, đồng thời gây tích nước khiến cho vị trí bị lao xương sưng to hơn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022