TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân tử vong chiều 1/4, nguyên nhân do ngộ độc methanol mức độ nặng, biến chứng toan chuyển hóa, tổn thương đa tạng, phù não lan tỏa gây tụt não, trụy hô hấp tuần hoàn.

Trước đó, kết quả đo điện não, chụp MRI não của bệnh nhân ghi nhận tổn thương nặng nề, biểu hiện chết não. Các bác sĩ khoa Nội Thần Kinh, Hồi sức cấp cứu cùng hội chẩn, xác định không có khả năng cứu chữa người bệnh.

Chàng trai cùng 5 người đàn ông uống hơn 6 chai rượu trái cây, mỗi chai 500 ml, khi đi du lịch Ninh Thuận, tối 29/3. Sáng hôm sau, họ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, nghĩ do say rượu nên cùng đoàn di chuyển về Tiền Giang. Trên đường đi, triệu chứng nặng hơn nên họ được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cần Giuộc ở Long An cấp cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Anh có biểu hiện nặng nề nhất, mê sâu, tụt huyết áp, phải thở máy, lọc máu liên tục, kết hợp dùng thuốc vận mạch nâng huyết áp. Một người khác cũng thở máy nhưng tiến triển tốt, tỉnh táo hoàn toàn sau khi lọc máu. Bốn người còn lại vào viện vẫn tỉnh, được lọc máu nhanh tại khoa cấp cứu để đào thải chất độc, đang hồi phục tốt.

Theo bác sĩ Hùng, các bệnh nhân đều có nồng độ methanol cao vượt ngưỡng đo nên xét nghiệm cho kết quả >100 mg/dL, tất cả đều "rơi vào tình trạng ngộ độc cực kỳ nặng". Bình thường, chỉ số này dưới 20 đã được xác định là ngộ độc methanol, còn khi 50 trở lên là ngộ độc methanol mức độ nặng, cần phối hợp thêm lọc máu. Do chàng trai trên có biểu hiện nặng nên tất cả được đưa vào cấp cứu kịp thời.

"Nếu chậm khoảng 2-3 giờ nữa mới được lọc máu cấp cứu thì tình trạng của 5 bệnh nhân còn lại có lẽ đã nặng hơn rất nhiều, khả năng nguy hại đến tính mạng", bác sĩ Hùng nói.

ba-c-si-die-u-tri-1743501547-6552-1743501695.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7issTngQSraeeE3ZMPlV0Q

Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hàng năm, ngành y tế ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do ngộ độc rượu methanol trong cả nước. Rượu thường dùng để uống là rượu ethanol làm từ ngũ cốc, giá thành cao hơn, cơ thể có hấp thụ và chuyển hóa được. Trong khi đó, cồn methanol là hóa chất, chỉ dùng trong công nghiệp vì rất độc với người, sản xuất từ gỗ lên men, giá rẻ hơn. Một số người bán trộn hai loại này lại để giảm giá thành, tăng lợi nhuận, khiến người mua uống vào có thể ngộ độc.

Methanol khi uống vào trong máu có thể chuyển sang dạng chất gây độc, tác động đến rất nhiều cơ quan. Chất này có thể tác động gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, suy hô hấp cấp, suy tim, tụt huyết áp, sốc nặng, suy thận cấp, mù mắt... Việc điều trị thường khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.

Bác sĩ khuyến cáo chọn rượu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm để uống. Cảnh giác khi có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đặc biệt là mờ mắt, hoa mắt, cảm giác như nhìn thấy màn sương - những biểu hiện ban đầu của ngộ độc methanol. Một số người có thể diễn tiến hôn mê nhanh. Khi có triệu chứng bất thường, cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để kịp thời gian vàng cứu chữa.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022