Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, có 4 điểm mới trong các chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Đó là:

Cho sử dụng một giấy báo giá thay vì 3 giấy báo giá như trước hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở y tế.

Được định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở y tế. Tức là nếu đấu thầu không trúng sẽ được chỉ định thầu.

Quy định cụ thể các trường hợp cấp cứu dịch bệnh được áp dụng chỉ định thầu.

Cuối cùng là được tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% khối lượng đã ký hợp đồng trước đó.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay để thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phải có hai yếu tố.

Cụ thể, theo ông Tuyên, thứ nhất là hoàn thiện thể chế, văn bản liên quan luật, nghị định và văn bản, thông tư liên quan mua sắm. Thứ hai là tổ chức thực hiện ở các địa phương, cơ sở y tế như thế nào.

Nếu thế chế đầy đủ rồi nhưng các địa phương, đơn vị trong tổ chức thực hiện còn gặp vấn đề thì không thể làm được đủ thuốc, vật tư.

Ví dụ các địa phương có bố trí kinh phí không, kế hoạch xây dựng, lựa chọn nhà thầu có đảm bảo hay không, lựa chọn nhà thầu rồi nhưng có chịu cung ứng thuốc và vật tư hay không, hay họ bỏ, không tham gia… ”, ông Tuyên nêu.

do-xuan-tuyen-17552104-1722860004965-17228600086861479281603.jpg

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 chiều 5/8.

Ông Tuyên cũng cho biết, sau giai đoạn đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở một số đơn vị, địa phương, và tại một số thời điểm nhất định, không phải tất cả thuốc đều thiếu mà chỉ thiếu một số loại.

Bộ Y tế đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Đáng chú ý, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Năm 2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết 80 về Sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc hết thời hạn đến 31/12/2024. Nội dung này cũng được đưa vào Luật Dược sửa đổi, dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới.

Bộ Y tế cũng đã tham mưu, trình Quốc hội thông qua Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, gồm 2 nội dung liên quan thiết bị y tế và mua sắm, đấu thầu.

Đồng thời, ban hành thông tư về danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Thông tư 07 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, hướng dẫn từng bước từ xây dựng đến lựa chọn nhà thầu.

Ông Tuyên thông tin thêm, nếu Luật Dược được thông qua sẽ có 5 chính sách cải cách thủ tục hành chính giúp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy lưu hành thuốc, giúp các cơ sở nhập thuốc và cung ứng cho cơ sở y tế.

Giữa tháng 7, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng cho rằng tình trạng thiếu "chỉ xảy ra cục bộ".

Nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguyên nhân chủ quan là các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc như thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm...

Ngoài ra, việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố, huyết thanh kháng nọc rắn...) do bệnh ít gặp nên không xác định được nhu cầu và không lường trước về thời điểm, số lượng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022