Bạch hầu là một bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, nhưng cần nhiều liều và liều tăng cường để sản xuất và duy trì khả năng miễn dịch.Đối với những người chưa được tiêm chủng, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong trong khoảng 30% trường hợp, với trẻ nhỏ có nguy cơ tử vong cao hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Bệnh bạch hầu từng được coi là nỗi ám ảnh của thế giới

Theo WHO, bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae (C. diphtheriae) sản sinh độc tố gây ra. Nó có thể lây lan từ người sang người khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Một số người có thể không phát triển các biểu hiện bệnh nhưng vẫn có thể truyền vi khuẩn cho người khác. Những người khác sẽ phát triển bệnh nhẹ, mặc dù bệnh nặng, biến chứng và tử vong cũng có thể xảy ra.

bach-hau-1-1720679694027835777537.jpg

Vi khuẩn C. diphtheriae tạo ra độc tố, một phiên bản bất hoạt được sử dụng trong vắc-xin. Ảnh CNRI/Science Photo Library/Smithsonianmag

Bệnh bạch hầu từng là nỗi ám ảnh thế giới ở thế kỷ 17-20, do tỷ lệ tử vong cao từ 10-20% và không có thuốc chữa.

Từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, các ca nhiễm bạch hầu đầu tiên được ghi nhận, trở thành nỗi kinh hoàng khắp Ai Cập cổ đại và Syria.

Khi chưa có vắc xin, bệnh bạch hầu "lưu hành" ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, chết người hàng loạt, nhất là trẻ em. Vào thế kỷ 17, bệnh gây thành dịch ở châu Âu, được gọi là "kẻ treo cổ" (El garatillo – theo tiếng Tây Ban Nha), "bệnh cổ họng" theo tiếng Ý. Năm 1705, quần đảo Mariana trải qua một đợt dịch bệnh bạch hầu và sốt phát ban đồng thời, làm giảm dân số xuống còn khoảng 5.000 người. Năm 1735, bệnh bạch hầu lây lan nhanh chóng đến châu Mỹ. Chỉ trong vòng vài tuần, có những gia đình có người nhiễm bệnh không còn ai sống sót.

Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu được tìm ra vào khoảng năm 1883-1884 và thành phần kháng độc tố được phát minh vào cuối thế kỷ 19. Mặc dù vậy, đến năm 1921, "bóng ma" bạch hầu một lần nữa bao trùm nước Mỹ, với hơn 206.000 người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của 15.520 người.

Năm 1920, vắc xin bạch hầu được nghiên cứu ra, mang lại hi vọng dập tắt căn bệnh này cho nhân loại. Tỷ lệ mắc hiện đã giảm rõ nhờ tiêm chủng mở rộng phòng bệnh.

bach-hau-2-17206798557071919243389.jpg

Vào những năm 1930, độc tố bạch hầu đã được quảng bá rộng rãi trong các chiến dịch y tế công cộng của Hoa Kỳ. Ảnh Illinois WPA Art Project/Smithsonianmag

Mặc dù đã có vắc xin nhưng đến nay vi khuẩn bạch hầu vẫn gây bệnh và tử vong ở những nơi chưa có được miễn dịch đầy đủ. Bệnh bạch hầu vẫn là một căn bệnh truyền nhiễm được đánh giá là nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em và những người chưa tiêm phòng. Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, chỉ tính riêng trong năm 2014 có hơn 7.300 trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu và con số thực tế có thể còn cao hơn.

WHO đánh giá dịch bệnh bạch hầu là vấn đề đáng lo ngại, bởi căn bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Năm 2019, WHO ghi nhận thế giới có gần 23.000 ca bạch hầu, tăng 2,6 lần so với năm 2017.

benh-bach-hau-3-1720680049475402558443.jpg

Trẻ em được tiêm phòng bạch hầu vào năm 1944. Ảnh Kurt Hutton/Getty/Npr

Việt Nam chưa loại trừ được bệnh bạch hầu 

Theo Cục Y tế dự phòng nước ta, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh bạch hầu được xếp vào nhóm B (là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong) trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Tại Việt Nam, khi chưa có vắc-xin, bệnh gây dịch tại tất cả các tỉnh. Năm 1981, vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ. Từ đó, bệnh bạch hầu được khống chế. Năm 1985, tỷ lệ nhiễm là 3,95/100.000 dân, năm 2000 là 0,14/100.000 dân. Từ sau năm 2012, Việt Nam đã khống chế tỷ lệ mắc bạch hầu xuống <0,01/100.000 dân.

Tuy nhiên, những năm gần đây, số ca bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại. 

benh-bach-hau-4-17206804343571158662947.jpg

Năm 2020, ghi nhận 226 trường hợp mắc, chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị.

Năm 2021 có 6 trường hợp mắc và năm 2022 có 2 ca. Năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 3 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên. Số mắc tập trung vào 5 tháng cuối năm (55 trường hợp mắc), trong đó 7 trường hợp tử vong.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4, tại các ổ dịch cũ (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh). Gần đây nhất là 1 trường hợp tử vong được ghi nhận tại tỉnh Nghệ An. 

benh-bach-hau-17204315228141829790632.jpg

Nói về nguyên nhân bạch hầu vẫn xuất hiện ở một số địa phương, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các trường hợp mắc bệnh bạch hầu thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Có thể thấy, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh hoặc đã được tiêm nhưng không tiêm nhắc lại khi lớn lên.

Các loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu hiện có

Hiện nay, tại Việt Nam không có vắc xin phòng bạch hầu đơn, chỉ có vắc xin phòng bạch hầu phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu như:

Vắc-xin 6 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b, viêm gan B: Có vắc xin 6in1 Infanrix Hexa và vắc xin 6in1 Hexaxim.

Vắc xin 5 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b (vắc xin 5in1 Pentaxim), phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b, viêm gan B (Vắc xin 5in1 ComBe Five, vắc xin 5in1 SII).

Vắc xin 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt (Vắc xin 4in1 Tetraxim).

Vắc xin 3 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (vắc xin 3in1 Adacel, vắc xin 3in1 Boostrix, vắc xin 3in1 DPT).

Vắc xin 2 trong 1 phòng bạch hầu, uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập.

Vắc xin uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td): Vắc xin uốn ván – bạch hầu hấp phụ Td (Tetanus-Diphtheria) được khuyến nghị tiêm ngừa cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên và người lớn nhằm tạo miễn dịch phòng ngừa bệnh uốn ván và bạch hầu. Vắc xin này được sản xuất bởi Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang IVAC (Việt Nam).

benh-bach-hau-5-1720680399731733453412.jpg

5 nhóm đối tượng nên tiêm vắc xin bạch hầu lúc này

- Trẻ em chưa tiêm chủng đầy đủ, chưa tiêm mũi nhắc lại theo quy định của Bộ Y tế.

- Người lớn chưa từng tiêm vắc xin bạch hầu.

- Người không nhớ rõ đã được tiêm đủ mũi hay chưa.

- Người lớn đã 10 năm chưa tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu.

- Người đi lại nhiều tới vùng sâu, vùng xa nơi có dịch đang lưu hành.

Dấu hiệu và biến chứng của bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Bệnh bạch hầu có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai nhưng phổ biến nhất ở trẻ em chưa được tiêm chủng.

Các triệu chứng của bệnh bạch hầu thường bắt đầu 2-5 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Các triệu chứng điển hình của nhiễm trùng bao gồm đau họng, sốt, sưng vùng cổ và yếu mệt. Trong vòng 2-3 ngày kể từ khi bị nhiễm trùng, các mô chết trong đường hô hấp tạo thành một lớp phủ dày, màu xám có thể bao phủ các mô trong mũi, amidan và cổ họng, khiến bạn khó thở, khó nuốt.

Các biến chứng của bệnh bạch hầu có thể gặp bao gồm viêm tim và dây thần kinh. Đối với những người chưa được tiêm chủng mà không được điều trị đầy đủ, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong (khoảng 30% trường hợp), trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn.

Theo WHO

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022