Bệnh nhân là bé trai trú tại phường Uông Bí, nhập viện trong tình trạng liệt nửa người trái, méo miệng, nói khó.

Trước đó, trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý nền. Tuy nhiên, trong gia đình có hai người từng bị nhồi máu não, là yếu tố nguy cơ đáng lưu ý. Triệu chứng khởi phát đột ngột khiến gia đình lập tức đưa trẻ tới viện.

Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp mạch máu não, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị nhồi máu não ở vùng bán cầu trái.

tre-dot-quy-11-16003641.jpg

Nhiều người thường cho rằng nhồi máu não chỉ xảy ra ở người lớn tuổi nhưng thực tế căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa. (Ảnh minh hoạ)

BSCKII Vương Thị Hào - Trưởng khoa Nhi cho biết, nhiều người thường cho rằng nhồi máu não chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, có bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường… nhưng thực tế căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa.

Nguyên nhân nhồi máu não ở trẻ thường phức tạp và khác với người lớn. Trẻ có thể mắc các bệnh tim bẩm sinh, dị dạng mạch máu não, rối loạn đông máu, viêm màng não, chấn thương vùng đầu cổ hoặc các rối loạn chuyển hóa.

Các chuyên gia nhấn mạnh thời gian là yếu tố sống còn trong điều trị nhồi máu não. Việc chẩn đoán và can thiệp sớm ngay trong những giờ đầu có thể quyết định khả năng phục hồi của bệnh nhi. Phát hiện muộn, trẻ có nguy cơ để lại nhiều di chứng thần kinh nặng nề.

Dấu hiệu cảnh báo sớm ở trẻ bao gồm nói ngọng, méo miệng, liệt tay chân, đi lại loạng choạng, thay đổi ý thức hoặc co giật.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ xuất hiện triệu chứng thần kinh bất thường, đặc biệt là biểu hiện đột ngột, cần đưa ngay đến bệnh viện để được thăm khám và xử trí kịp thời. Sự chậm trễ có thể đánh mất "thời gian vàng" cứu sống trẻ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022