Trong bài viết dưới đây, Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng đơn vị Tiêm chủng (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) sẽ chia sẻ tất cả những vấn đề liên quan tới vắc xin bạch hầu.

Trẻ em tiêm vắc xin bạch hầu như thế nào?

Bác sĩ Minh cho hay bệnh bạch hầu thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm, phải sử dụng tiêm chủng vắc xin bắt buộc cho trẻ em khi đủ 2 tháng tuổi (theo thông tư số 10/2024/TT-BYT ký ngày 13 tháng 6 năm 2024 ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế).

Trẻ có thể tiêm phòng vắc xin bạch hầu theo lịch trình như sau:

- Trẻ được tiêm mũi 1 khi đủ 2 tháng tuổi.

- Tiêm lần 2 ít nhất một tháng sau lần 1.

- Tiêm lần 3 ít nhất một tháng sau lần 2.

- Mũi tiêm nhắc lại (tiêm lần 4) cần được thực hiện khi trẻ 18 tháng tuổi.

bc8fc4c73532976cce23-17206714211221478680500-1720705858493-17207058590031920628918.jpg

Bác sĩ Hiền Minh đang khám cho bệnh nhi tới tiêm chủng. (Ảnh M.T)

Theo bác sĩ Minh sau khi hoàn thành 4 mũi tiêm cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý tiêm nhắc lại cho trẻ khi đủ 7 tuổi (vắc xin phối hợp có chứa thành phần bạch hầu giảm liều). Mũi tiêm này giúp trẻ duy trì miễn dịch lâu dài. Phụ huynh có thể lựa chọn vắc xin miễn phí theo chương trình tiêm chủng quốc gia hoặc tiêm vắc xin dịch vụ.

Người lớn tiêm vắc xin bạch hầu như thế nào?

Bác sĩ Minh cho biết, người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng cần tiêm lại 3 mũi cơ bản. Mọi người nên tiêm mũi thứ nhất càng sớm càng tốt, tiêm mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất tối thiểu 4 tuần và tiêm mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 tối thiểu 6 tháng. Sau khi tiêm đủ 3 mũi, mọi người có thể tiêm các mũi nhắc lại cách nhau mỗi 10 năm.

Theo khuyến cáo của Hội Y học Dự phòng Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, phụ nữ đang mang thai từ 27 đến 36 tuần cũng cần được tiêm vắc xin Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván.

Vắc xin bạch hầu có giới hạn độ tuổi tiêm?

"Quan điểm 'chỉ tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em' là không đúng. Người lớn không tiêm nhắc lại vắc xin sau mỗi 10 năm sẽ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao hơn vì lượng kháng thể trong cơ thể giảm dần. Ngoài ra việc không tiêm nhắc lại vắc xin cũng gây suy giảm miễn dịch cộng đồng, có thể khiến dịch bệnh bùng phát", bác sĩ Minh lưu ý.

"Vắc xin phòng bạch hầu có thể tiêm cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Vắc xin không có giới hạn độ tuổi, người tiêm chỉ cần có sức khỏe đáp ứng yêu cầu khi khám sàng lọc trước tiêm chủng là được", bác sĩ Minh nói.

Hiệu quả bảo vệ của vắc xin bạch hầu

Bác sĩ Minh cho biết,hiệu quả phòng bệnh bạch hầu khi tiêm đủ liều vắc xin ở các quốc gia thường rất cao, đạt từ 96,9% đến 98,2%.

e6e84569b79c15c24c8d-17206714211481112123309-1720705860412-17207058605911166796441.jpg

Người cao tuổi khám trước khi tiêm vắc xin. (Ảnh M.T)

Tác dụng không mong muốn khi tiêm vắc xin bạch hầu

Vắc xin bạch hầu được chế tạo từ độc tố bị bất hoạt nên có độ an toàn cao, có thể sử dụng cho trẻ em và người lớn. Một số triệu chứngtại chỗ sau tiêm ở người lớn được báo cáo thường xuyên nhất là:

- Đau tại chỗ tiêm (chiếm 62–94% trường hợp). Tuy nhiên không có báo cáo nào về tình trạng đau dữ dội sau tiêm.

- Xuất hiện vết đỏ và sưng tấy có đường kính từ 5cm trở lên (chiếm khoảng 13% trường hợp).

Tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng tại chỗ sau tiêm chủng tương tự nhau với vắc xin TdaP (vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván) và vắc xin Td (vắc xin bạch hầu - uốn ván).

"Ngoài ra, người tiêm cũng có thể gặp một số triệu chứng chung khác. Các triệu chứng chung được báo cáo thường xuyên nhất là đau đầu và mệt mỏi (chiếm 20–50% trường hợp). Người tiêm có thể bị sốt nhẹ, tuy nhiên không có báo cáo về việc người tiêm bị sốt cao, trên 39°C. Vắc xin cũng không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng", bác sĩ Hiền Minh chia sẻ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022