Theo BS.CK1 Trần Hạnh Vy, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trong ánh nắng mặt trời có các loại bức xạ gồm ánh sáng khả kiến (tạo màu sắc), bức xạ hồng ngoại (sự ấm áp) và bức xạ tia cực tím (UV).

Trừ những trường hợp khắc nghiệt, ánh sáng nhìn thấy cũng như bức xạ hồng ngoại từ ánh sáng mặt trời đều không gây ra các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, UV có thể gây ra những tác hại cho da.

Có ba loại bức xạ tử ngoại cơ bản. UVA (tia cực tím sóng dài) hay tia cực tím A có thể xuyên qua kính, tạo ra một số dạng màu da. Trước đây, loại tia này từng được coi là vô hại nhưng hiện được cho là có hại.

Tia UVB chủ yếu gây đỏ da, tăng sinh tình trạng lão hóa và kích thích ung thư da phát triển. UBV có cường độ cao trong thời gian từ khoảng 10h đến 15h mỗi ngày.

UVC là tia có bước sóng ngắn nhất và năng lượng cao nhất trong ba loại tia UV. UVC nguy hiểm nhất đối với con người nhưng thực tế đã bị ngăn chặn bởi tầng ozone ở trên nên không có khả năng gây hại.

na-ng-jpeg-1710404904-7159-1710405123.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KPJfSV2nd6bJgbC8lgiN8g

Tia UV trong ánh nắng gây tổn thương, thậm chí ung thư da. Ảnh: Pexels

Tiếp xúc nhiều lần với bức xạ tia cực tím mặt trời sẽ gây ra tổn thương da tương tự như quá trình lão hóa. Các mảng da trở nên mỏng và kém đàn hồi, xuất hiện các vết nám, tàn nhang do ánh nắng mặt trời và nếp nhăn. Những thay đổi này có thể mất nhiều năm tiếp xúc nhưng khi chúng xảy ra, thiệt hại là không thể phục hồi.

Nếu tiếp tục tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong vài năm, da bị tổn thương sẽ có nguy cơ phát triển một trong các dạng ung thư da, gồm ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai, melanoma.

Những người mắc các bệnh di truyền khiến họ nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư da cao hơn.

L1120744-JPG-2595-1710405123.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=N8dePKJ58RjfVdQHOzFPRg

Người dân tham gia giao thông trên Đại Lộ Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Để phòng tránh ung thư da, người dân nên tránh tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời quá lâu (đặc biệt là từ 10-15h). Sử dụng kem chống nắng, mũ, áo khi đi ra ngoài trời. Hạn chế tiếp xúc hóa chất, chất phóng xạ. Ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát ung thư.

Người lao động nên thoa kem chống nắng bảo vệ trên vùng da tiếp xúc 20 phút trước khi làm việc dưới ánh nắng mặt trời, sau đó thoa lại trong thời gian ở dưới ánh nắng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất (thường 2 giờ/lần).

Những người làm việc dưới ánh nắng mặt trời nên kiểm tra da thường xuyên xem có thay đổi bất thường nào không. Các dấu hiệu nguy hiểm bao gồm bất kỳ vết thương, vết loét hoặc mảng da nào không lành hoặc liên tục đóng vảy. Đồng thời kiểm tra xem có cục u nào đang phát triển không, đặc biệt nếu có màu nâu hoặc hơi xanh.

Với bất kỳ vấn đề sức khỏe đáng ngờ nào, người dân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022