Việt Nam đã và đang làm gì để cứu sống những người phụ nữ?
Ngày 17/11 hàng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là Ngày kêu gọi hành động nhằm loại bỏ ung thư cổ tử cung trên toàn cầu. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày vẫn có 7 gia đình phải rơi nước mắt lìa xa người phụ nữ của mình. Điều đó nghĩa là, cuộc chiến này tuy đã đạt được một số thành tựu, nhưng vẫn còn rất nhiều gánh nặng và nỗi đau cần được vơi bớt.
Nỗi đau của người mẹ trong cuộc chiến chống ung thư
Chương trình Alo Doctor cuối tuần bắt đầu bằng câu chuyện của một người phụ nữ giấu mặt. Trong nước mắt, chị chia sẻ: Sau khi sinh con không lâu, chị bất ngờ phát hiện mình mắc ung thư cổ tử cung, khi không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào trước đó. Đối mặt với căn bệnh quái ác, chị đã phải cắt bỏ tử cung và treo buồng trứng – một quyết định đầy đau đớn nhưng là hy vọng duy nhất để chị giữ lại khả năng có thêm con thông qua việc nhờ người mang thai hộ.
Nhưng đau khổ không dừng lại ở đó. Sau phẫu thuật, chị được chẩn đoán là ung thư ác tính và phải trải qua nhiều lần hoá trị và xạ trị. Những tác dụng phụ của phương pháp điều trị này không chỉ làm suy kiệt đi sức khoẻ mà còn làm giảm đi chức năng của buồng trứng khiến cho mong ước có thêm con của chị càng mong manh.
Mong ước làm mẹ lại sụp đổ khi đứa con đầu lòng vừa sinh được vài tháng đã mất vì ung thư máu. Sự mất mát đó quả thật là một vết thương không thể lành của một người mẹ. Việc có thêm con không chỉ là một niềm an ủi mà đó là một cách để chị có thể nào bù đắp một phần nỗi đau trong quá khứ. Tuy hành trình còn nhiều khó khăn nhưng chị vẫn không ngừng kiên cường và tiếp tục chiến đấu.
Dự phòng và Tầm soát sớm – Chìa khoá bảo vệ phụ nữ trước ung thư cổ tử cung
Chương trình có sự tham gia của của một khách mời đặc biệt: Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến có 2 biệt danh được bệnh nhân yêu mến gọi, đó là " Ông Bụt của những bệnh nhân nghèo", và "Sát thủ của ung thư cổ tử cung". Năm 2023, Bác sĩ Tiến và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã nhận được Giải thưởng "Thành tựu y khoa Việt Nam lần 4, năm 2023" nhờ Phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm, không chỉ cướp đi sức khỏe mà còn cướp đi cả những ước mơ bình dị nhất của một người phụ nữ. Với phần lớn bệnh nhân, căn bệnh thường tiến triển âm thầm và chỉ biểu hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, nhiều người không khỏi bàng hoàng khi nhận tin dữ, đối diện với những lựa chọn khó khăn để bảo toàn mạng sống và đánh đổi cả những niềm mong ước thiêng liêng nhất.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến chia sẻ rằng, những trường hợp tương tự chị không hiếm bởi ung thư cổ tử cung thường diễn tiến âm thầm, vì vậy đa phần các ca bệnh đều được phát hiện ở giai đoạn muộn. Việc phát hiện và điều trị sớm là cơ hội duy nhất giúp người bệnh có thể tránh khỏi những hệ luỵ nặng nề.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự phòng HPV và tầm soát định kỳ, đặc biệt là xét nghiệm PAP và HPV, để có thể nhận diện được bệnh từ những giai đoạn đầu giúp nâng cao khả năng điều trị và giảm thiểu những tác động lên cơ thể. Điều này càng quan trọng đối với những người phụ nữ còn trẻ, không chỉ để bảo vệ sức khoẻ mà còn bảo vệ cả ước mơ làm mẹ.
Hy vọng giữa những nỗi đau
Chương trình còn đề cập đến sự kì diệu của y khoa, đặc biệt là cái tâm, cái tài của bác sĩ đã đồng hành cùng bệnh nhân, đôi khi mang lại những kỳ tích như sự tái sinh. Y học ngày càng phát triển, những loại thuốc, phương pháp điều trị mới lần lượt ra đời, đây là những hy vọng dành cho bệnh nhân và người nhà.
Bác sĩ Tiến cũng nhấn mạnh quan điểm ung thư là án tử, ung thư là không còn cơ hội nữa đã là lỗi thời. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng giai đoạn, đúng phương pháp, ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi 100% ở giai đoạn sớm. Với những trường hợp phát hiện muộn, điều trị vẫn có thể kéo dài thêm 5, 10, thậm chí 15 năm, mang lại hy vọng cho người bệnh.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM
Thấu hiểu được nỗi niềm của khách mời, Bác sĩ Tiến đã mời chị đến bệnh viện để tiến hành hội chẩn sau chương trình với mong muốn hỗ trợ chị trên hành trình tìm lại cơ hội làm mẹ. Dù biết cơ hội mỏng manh, nhưng bác sĩ vẫn hy vọng rằng với y học hiện đại đầy kỳ diệu này, bất ngờ vẫn có thể xảy ra.
Những hy vọng sẽ còn tiếp nối…
Alo Doctor Cuối tuần là một trong những chương trình truyền hình được nhiều người yêu thích vào 17h20 chiều Chủ nhật hàng tuần của VTV9. Ngoài sóng truyền hình, Alo Doctor còn hiện diện trên các nền tảng Youtube, Facebook, TikTok, website.
Dù mới lên sóng được nửa năm, nhưng Alo Doctor Cuối tuần hiện đang là một trong những chương trình tăng trưởng xuất sắcvới lượng người xem đông đảo. Mỗi tập phát sóng đều mang đến những câu chuyện đầy cảm hứng về sức khỏe, y học và cuộc sống, giúp khán giả cập nhật thêm nhiều thông tin y tế bổ ích từ các chuyên gia hàng đầu và các khách mời đặc biệt.
Chủ nhật ngày 17/11/2024, đúng ngày Thế giới kêu gọi hành động nhằm loại bỏ ung thư cổ tử cung trên toàn cầu, Alo Doctor sẽ đem đến những câu chuyện về thành tựu đáng nể của Việt Nam trên hành trình bảo vệ sự sống cho phụ nữ. Với chủ đề "Giảm thiểu gánh nặng ung thư cổ tử cung - Để những giọt sầu nhẹ vơi", 3 khách mời đặc biệt gồm:
GS. Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch danh dự, Hội Ung thư Việt Nam
Bà Katharina Geppert – Tổng Giám đốc MSD Việt Nam
TS. BS. Lê Quang Thanh – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh.
Hãy đón xem để hiểu thêm về cách chúng ta sẽ cần phải làm gì để bảo vệ những người phụ nữ của gia đình mình!
Ngày 17/11/ 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra lời kêu gọi hành động mạnh mẽ nhằm loại bỏ ung thư cổ tử cung như một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Chỉ hai năm sau, vào năm 2020, Đại hội đồng Y tế Thế giới đã thông qua một nghị quyết lịch sử, ủng hộ Chiến lược Toàn cầu nhằm Tăng tốc Loại bỏ Ung thư Cổ tử cung như một Vấn đề Sức khỏe Cộng đồng.
Quyết định mang tính bước ngoặt này đặt ra các mục tiêu rõ ràng và các biện pháp giải trình để hướng dẫn nỗ lực của chúng ta hướng tới một tương lai nơi ung thư cổ tử cung không còn là mối đe dọa.
Chiến lược kêu gọi các quốc gia đảm bảo rằng đến năm 2030, ít nhất 90% trẻ em gái phải được tiêm đầy đủ vắc xin phòng HPV trước 15 tuổi. Đồng thời ít nhất 70% phụ nữ được xét nghiệm ung thư cổ tử cung trước 35 tuổi, và ít nhất 90% phụ nữ mắc bệnh được điều trị. WHO nhấn mạnh việc sử dụng rộng rãi vắc xin, các xét nghiệm và phương pháp điều trị mới... có thể cứu sống 5 triệu người vào năm 2050.