PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cúm mùa thường bùng phát vào thời điểm chuyển mùa đông xuân. Hiện nay, số ca mắc cúm gia tăng, trong đó nhiều bệnh nhân trở nặng, chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch suy yếu.

Đơn cử, bệnh nhân nam 78 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó thở, suy hô hấp do cúm A. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, Alzheimer, phải thở máy và điều trị tích cực.

1-1738928215-1738928235-5922-1738928331.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=x_UhvyVlUkGAhUUK5iwdUA

Bệnh nhân cúm mùa suy hô hấp phải thở máy, điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thuỳ Dương

Theo các chuyên gia, cúm mùa thường nhẹ ở người khỏe mạnh, chỉ gây sổ mũi, ho, sốt và tự khỏi sau 5-7 ngày nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm và điều trị thông thường. Tuy nhiên, ở người có bệnh nền như tim mạch, hô hấp, tiểu đường, hoặc người cao tuổi, cúm có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp, suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Cúm mùa do virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B gây ra, lây qua đường hô hấp. Để phòng bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ dưới 5 tuổi nên tiêm vaccine cúm hàng năm. Vaccine giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế diễn biến nặng nếu nhiễm virus.

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần đặc biệt chú ý, vì cúm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tiêm vaccine cúm trước hoặc trong thai kỳ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất và tránh tiếp xúc nơi đông người. Khi có triệu chứng nặng như khó thở, tím tái, lơ mơ, hạ thân nhiệt, cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022