Theo BS.CK2 Nguyễn An Châu, Chuyên khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Quốc tế Minh Anh, giấc ngủ, tưởng chừng thụ động, lại là nền tảng sống còn cho sức khỏe.

Trong giấc ngủ sâu, cơ thể tái tạo tế bào, củng cố miễn dịch, bảo vệ ta khỏi bệnh tật, tăng cường trí nhớ và sự tập trung, giúp tái tạo năng lượng. Chính vì vậy, rối loạn giấc ngủ sẽ tàn phá sức khỏe một cách âm thầm nhưng nguy hiểm.

Nhưng trên thực tế, vẫn còn tồn tại những quan niệm chưa đúng về giấc ngủ, như sau:

Có thể "ăn gian" giấc ngủ

Một số người cố gắng "ăn gian" giấc ngủ bằng cách chỉ ngủ vài tiếng vào ban đêm, sau đó ngủ một hoặc nhiều giấc ngắn vào ban ngày. Điều này được gọi là giấc ngủ hai pha hoặc nhiều pha. Mặc dù nó có thể hiệu quả với một số người, nhưng không lành mạnh trong thời gian dài.

Các chuyên gia về giấc ngủ khuyến cáo, hầu hết người lớn khỏe mạnh nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm để ban ngày làm việc hiệu quả. Thiếu ngủ một đêm cần được "truy lĩnh" bằng giấc ngủ bổ sung trong vài đêm tiếp theo.

"Mặc dù mọi người có thể nghĩ cơ thể sẽ quen với việc thiếu ngủ, nhưng điều này không đúng", bác sĩ Châu nói.

Mất ngủ có nghĩa là gặp khó khăn khi chìm vào giấc ngủ

Khó ngủ có thể là dấu hiệu của chứng mất ngủ, nhưng có một số triệu chứng khác của mất ngủ bao gồm thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại, thường xuyên thức giấc và thức dậy với cảm giác kiệt sức. Nếu có một hoặc nhiều triệu chứng này, có thể bạn đang bị mất ngủ.

Não được nghỉ ngơi trong khi ngủ

Cơ thể của chúng ta được nghỉ ngơi trong khi ngủ, nhưng não thì không, nó vẫn hoạt động, được nạp lại năng lượng và kiểm soát nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm cả hô hấp.

Não thường chuyển đổi giữa hai trạng thái ngủ, giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) và giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM). Vì vậy, mặc dù không thể nhận ra điều này, nhưng não thực sự hoạt động trong khi ngủ.

pexels-cottonbro-6926216-17472-2142-7592-1747204644.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lUYoGg9JhMaEaJY3Ou2ahw

Làm những việc thư giãn như đọc sách hoặc nghe nhạc êm dịu có thể giúp ngủ ngon hơn. Ảnh: Pexels

Cơ thể ít cần ngủ hơn khi con người già đi

Các kiểu ngủ có thể thay đổi khi chúng ta già đi, nhưng lượng giấc ngủ mà chúng ta cần nói chung thì không.

Người lớn tuổi có xu hướng buồn ngủ sớm hơn vào buổi tối và có thể thức dậy thường xuyên hơn trong đêm, nhưng hầu hết người lớn cần ngủ từ 7 đến 9 tiếng để duy trì sức khỏe, ngay cả khi họ già đi.

Ngáy là bình thường và vô hại

Ngáy có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ, một rối loạn giấc ngủ liên quan đến các vấn đề y tế khác như bệnh tim và tiểu đường.

Thở hổn hển hoặc thở ngắt quãng là những dấu hiệu đáng báo động và bạn cần liên hệ với bác sĩ để khám và điều trị.

Rối loạn giấc ngủ không liên quan đến tình trạng sức khỏe

Mặc dù một số người tin rằng các vấn đề sức khỏe như tiểu đường, huyết áp cao, trầm cảm và béo phì không liên quan đến chất lượng giấc ngủ, nhưng theo các nghiên cứu về giấc ngủ cho thấy điều này chưa thật chính xác.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra mối tương quan giữa giấc ngủ không đủ hoặc kém chất lượng và nhiều chứng bệnh, như những bệnh được liệt kê ở trên.

Thiếu ngủ cũng có thể góp phần gây ra các tình trạng sức khỏe như béo phì và tiểu đường.

Nên cố ngủ khi không ngủ được

Việc ra khỏi giường khi cơn bồn chồn ập đến có vẻ trái ngược với trực giác, nhưng nhiều chuyên gia về giấc ngủ cho hay, việc cố gắng ngủ khi không cảm thấy mệt mỏi có thể gây căng thẳng và khiến bạn thức lâu hơn.

Thay vào đó, làm những việc thư giãn như đọc sách hoặc nghe nhạc êm dịu có thể giúp ngủ ngon hơn.

Tránh nhìn đồng hồ, bật đèn sáng, xem TV hoặc kiểm tra điện thoại vì ánh sáng có thể cản trở quá trình sản xuất melatonin của cơ thể, làm gia tăng chứng rối loạn giấc ngủ.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022