Tích mỡ bụng là vấn đề nhiều phụ nữ gặp phải, gây khó khăn và ảnh hưởng đến sức khỏe. Vấn đề này không chỉ liên quan đến thẩm mỹ mà còn tác động đến sức khỏe tổng thể.

Có hai loại mỡ bụng gồm mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Mỡ dưới da nằm ngay dưới da, thường được gọi là "mỡ bụng". Mỡ nội tạng nằm sâu hơn, bao quanh các cơ quan nội tạng. Cả hai đều ảnh hưởng đến ngoại hình, nhưng mỡ nội tạng đặc biệt nguy hiểm vì có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường type 2 và viêm nhiễm.

Nguyên nhân khiến phụ nữ tích mỡ bụng

Thay đổi nội tiết tố

Một trong những nguyên nhân chính khiến phụ nữ tích mỡ bụng là do thay đổi nội tiết tố, đặc biệt khi lớn tuổi. Các hormone như estrogen, progesterone và cortisol đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối mỡ trong cơ thể.

Khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh, lượng estrogen bắt đầu giảm. Estrogen giúp điều chỉnh sự phân phối mỡ, và khi lượng estrogen giảm, mỡ có xu hướng tích tụ nhiều ở bụng hơn là ở các vùng khác như hông và đùi. Đây là lý do tại sao nhiều phụ nữ nhận thấy mỡ bụng tăng lên trong và sau mãn kinh, ngay cả khi họ không thay đổi chế độ ăn uống hoặc tập thể dục.

Căng thẳng

Căng thẳng cũng là một yếu tố chính góp phần làm tăng mỡ bụng. Khi bị căng thẳng, cơ thể sản sinh cortisol, một loại hormone khuyến khích tích trữ mỡ ở vùng bụng. Căng thẳng mãn tính dẫn đến lượng cortisol cao liên tục, khiến phụ nữ dễ tăng và giữ mỡ bụng. Vì vậy, quản lý căng thẳng là một phần quan trọng trong bất kỳ kế hoạch quản lý cân nặng nào.

Kháng insulin

Insulin là hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi cơ thể trở nên kháng insulin, có thể do chế độ ăn uống kém, thiếu vận động hoặc yếu tố di truyền, cơ thể bắt đầu tích trữ nhiều mỡ hơn, đặc biệt ở quanh bụng. Kháng insulin là tiền thân của bệnh tiểu đường type 2 và phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là những người có lối sống ít vận động.

Lối sống thiếu lành mạnh

Chế độ ăn nhiều đường và carbohydrate tinh chế góp phần gây kháng insulin và tăng cân. Những thực phẩm này làm tăng lượng đường trong máu, dẫn đến tăng sản xuất insulin và tích trữ mỡ. Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều calo, đặc biệt là từ thực phẩm không lành mạnh, dẫn đến tăng cân, thường rõ rệt nhất ở vùng bụng.

Lối sống ít vận động là một yếu tố quan trọng góp phần làm tăng mỡ bụng. Nếu không tập thể dục thường xuyên, cơ thể dễ tích trữ mỡ hơn là đốt cháy mỡ để tạo năng lượng. Hoạt động thể chất, đặc biệt là các bài tập nhắm vào cơ bụng, có thể giúp giảm mỡ bụng và cải thiện thể lực tổng thể.

Thói quen ngủ kém

Giấc ngủ thường bị bỏ qua như một yếu tố trong việc quản lý cân nặng, nhưng nó rất quan trọng. Thói quen ngủ kém, bao gồm ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không đều đặn, có thể làm rối loạn nội tiết tố, tăng cảm giác thèm ăn và dẫn đến tăng cân, đặc biệt là ở vùng bụng. Đảm bảo ngủ đủ giấc và chất lượng là một phần thiết yếu của việc duy trì cân nặng khỏe mạnh.

pexels-laura-tancredi-7065502-4609-7960-1731310409.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e_HM00dud_wHx5Mlu3oRrA

Phụ nữ tích mỡ bụng do thay đổi nội tiết tố, căng thẳng, kháng insulin và lối sống thiếu lành mạnh. Ảnh: Pexels

Giải pháp

Ăn uống lành mạnh

Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều trái cây, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt là điều cần thiết. Giảm lượng đường, carbohydrate tinh chế và thực phẩm chế biến sẵn có thể giúp ngăn ngừa tăng cân. Kiểm soát khẩu phần ăn cũng rất quan trọng, ăn thành nhiều bữa nhỏ hơn có thể giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định và giảm khả năng ăn quá nhiều.

Tập thể dục

Kết hợp tập thể dục thường xuyên vào thói quen hàng ngày để giảm mỡ bụng. Các bài tập tim mạch như đi bộ, chạy và đạp xe giúp đốt cháy calo, trong khi tập luyện sức mạnh có thể xây dựng cơ bắp và tăng cường trao đổi chất. Các bài tập bụng cũng có thể giúp săn chắc cơ bắp ở vùng giữa cơ thể.

Quản lý căng thẳng

Quản lý căng thẳng là chìa khóa để kiểm soát lượng cortisol và ngăn ngừa tăng mỡ bụng. Các kỹ thuật như thiền, yoga, bài tập thở sâu và nghỉ ngơi đầy đủ có thể giúp giảm căng thẳng và tác động tích cực đối với cơ thể.

Ngủ đủ, đều đặn

Đảm bảo ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm có thể có tác động đáng kể đến việc quản lý cân nặng. Thiết lập lịch ngủ đều đặn, tạo thói quen thư giãn trước khi đi ngủ và tránh các chất kích thích như caffeine trước khi đi ngủ đều có thể góp phần cải thiện giấc ngủ và từ đó quản lý cân nặng tốt hơn.

Mỹ Ý (Theo Times of India)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022