Nghiên cứu do Hiệp hội Ung thư Mỹ công bố vào tháng 7 ước tính 40% ca ung thư mới ở người lớn từ 30 tuổi trở lên là do các yếu tố lối sống có thể điều chỉnh được. Tiến sĩ Y khoa Mikkael A. Sekeres, Trưởng Khoa huyết học, tại Trung tâm Ung thư Sylvester, Đại học Miami chia sẻ 5 bước để giảm nguy cơ ung thư cho mọi người.

Chống nắng cẩn thận

Tiến sĩ Sekeres có thói quen sử dụng kem chống nắng trên mặt và toàn thân. Thói quen này được duy trì hàng thập kỷ. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, ông đội mũ, đeo kính râm và mặc áo dài tay khi dành nhiều thời gian ngoài trời, như đi biển hoặc đạp xe hơn 30 phút. Các loại kem chống nắng ông sử dụng đều có chỉ số chống nắng SPF 15 trở lên.

Trong nghiên cứu năm 2019, bức xạ tia cực tím được xác định là yếu tố góp phần lớn thứ hai vào các chẩn đoán ung thư mới ở nam giới (khoảng 6% các ca ung thư) và lớn thứ 5 ở phụ nữ (khoảng 4% các ca ung thư). Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư hắc tố và không hắc tố (ung thư da tế bào đáy và tế bào vảy) đều do bức xạ UV.

Nguy cơ ung thư da tăng lên theo tuổi do tích lũy ánh nắng và ở những người có làn da sáng màu. Dù những người có màu da sẫm hơn có nguy cơ ung thư da thấp, họ vẫn được khuyến cáo họ sử dụng kem chống nắng.

Tiến sĩ Sekeres cũng cho biết ông không sử dụng các loại giường tắm nắng. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư hắc tố tăng 75% ở những người sử dụng giường tắm nắng nhân tạo trước tuổi 35.

Hạn chế uống rượu

Trích dẫn nghiên cứu năm 2019, tiến sĩ Sekeres cho biết, tiêu thụ rượu là yếu tố góp phần lớn thứ tư vào các chẩn đoán ung thư mới ở nam giới (khoảng 5% các ca), lớn thứ ba ở phụ nữ (khoảng 6% các ca). Thông thường, nhiều người cho rằng rượu chỉ gây ra các dạng bệnh ung thư khoang miệng hoặc thực quản. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân lớn dẫn đến ung thư vú, với hơn 44.000 ca ở Mỹ vào năm 2019.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng càng uống nhiều rượu, nguy cơ mắc ung thư càng cao. Ngay cả những người chỉ uống một ly mỗi ngày, tỷ lệ mắc bệnh ung thư cũng tăng nhẹ. Vì vậy, tiến sĩ Sekeres uống không quá một đến hai ly rượu mỗi tuần.

220104153526-no-alcohol-stock-8346-7351-1726570510.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-QB6_FW_x73fuC9CahXyQA

Hạn chế uống rượu có thể giảm nguy cơ mắc ung thư. Ảnh: CNN

Không hút thuốc

Thuốc lá là yếu tố góp phần lớn nhất vào các chẩn đoán ung thư mới ở người trưởng thành, từ 30 tuổi trở lên tại Mỹ. Cụ thể, đây là nguyên nhân gây ra khoảng 86% các trường hợp ung thư phổi, khoảng 54% các ca ung thư thực quản và khoảng 51% các ca ung thư bàng quang, cùng nhiều loại ung thư khác.

Theo tiến sĩ Sekeres, cai thuốc lá giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nguy cơ mắc ung thư phổi giảm một nửa sau 10-15 năm ngừng hút thuốc. Nếu ngừng hút thuốc trước tuổi 40, nguy cơ mắc bệnh ung thư của một người giảm xuống mức gần bằng với người chưa từng hút thuốc trong đời. Tương tự, nguy cơ mắc ung thư thực quản giảm 30% và nguy cơ mắc ung thư bàng quang giảm còn 50% sau 10 năm cai thuốc.

Tập thể dục nửa giờ mỗi ngày

Để giảm nguy cơ ung thư và có cơ thể khỏe mạnh, tiến sĩ Sekeres tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Đối với những người bận rộn, ông khuyên bắt đầu bài tập của mình từ sáng sớm, bằng các hình thức đơn giản như tập chạy hoặc đạp xe.

Nghiên cứu trên hơn 60.000 tình nguyện viên trưởng thành cho thấy, những người tập thể dục từ hai tiếng trở lên mỗi tuần mỗi tuần có thể giảm 26% nguy cơ mắc ung thư đầu cổ, giảm 20% tỷ lệ ung thư phổi và giảm 11% nguy cơ ung thư vú.

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị mọi người tập thể dục cường độ vừa phải (như đi bộ nhanh hoặc đạp xe) từ 150 đến 300 phút hoặc cường độ mạnh từ 75-150 phút mỗi tuần. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, đại tràng và tử cung, cùng nhiều loại khác.

Hạn chế đồ uống có đường, thức ăn nhanh và thịt chế biến sẵn

Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa ung thư đại trực tràng và thịt đỏ, thịt chế biến sẵn. Người thiếu chất xơ và canxi trong chế độ ăn uống cũng dễ mắc bệnh hơn. Tiêu thụ ít trái cây và rau quả làm tăng khả năng mắc ung thư khoang miệng, họng, thực quản và thanh quản.

Giống nhiều người, tiến sĩ Sekeres không phù hợp với các chế độ ăn kiêng hà khắc. Dù vậy, ông cố gắng cắt bỏ đồ uống có đường khỏi thực đơn hàng ngày. Ông ăn trái cây hoặc rau quả vào bữa trưa và bữa tối, hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, xuống mức một hoặc hai lần mỗi tuần. Quan trọng nhất, ông hiếm khi tiêu thụ thức ăn nhanh và tránh thịt chế biến sẵn.

Thục Linh (Theo Washington Post)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022