Ngày 11/10, đại diện Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết sau vài giờ điều trị bù dịch, giảm đau, sức khỏe các học sinh ổn định, không còn nôn ói và đau bụng, đêm qua được xuất viện về theo dõi tại nhà. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột cấp, nghi do ngộ độc thực phẩm, cấp toa thuốc, hướng dẫn chế độ chăm sóc tại nhà và các dấu hiệu nguy cơ cần tái khám.

Viêm dạ dày ruột là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây nên. Nguyên nhân do tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, ăn uống thực phẩm và đồ uống chứa mầm bệnh. Những triệu chứng thường gặp là buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, nhức đầu, sốt nhẹ, tiêu chảy...

Đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết điều tra dịch tễ xác định ngày 10/10 trường THPT Lê Quý Đôn được một công ty tại quận 1 cung cấp 1.393 suất ăn, bao gồm 1.348 suất bún gạo xào, 26 suất ăn chay và 19 suất cháo. Thức ăn được chế biến sẵn và vận chuyển đến trường bằng xe tải vào khoảng 10h, sau đó được phân phối theo từng khay và phục vụ cho học sinh tại phòng ăn của trường. Dụng cụ ăn uống được thu gom và mang về cơ sở để xử lý.

Khoảng ba giờ sau ăn trưa, 6 học sinh biểu hiện đau bụng, trong đó hai trường hợp thêm triệu chứng nôn ói. Kíp cấp cứu 115 đến trường đánh giá, chuyển 5 học sinh đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn theo dõi và điều trị. Một học sinh nằm tại phòng y tế của trường để theo dõi, hiện cũng đã khỏe.

Các học sinh nghi ngộ độc thực phẩm thuộc 4 lớp của khối lớp 11 và 12. Bữa sáng, các em ăn cùng gia đình, chưa ghi nhận triệu chứng tương tự ở những người ăn cùng bữa. Đến nay, trường chưa ghi nhận trường hợp nào có triệu chứng tương tự ở giáo viên và nhân viên. Ngày 8-10/10, trường ghi nhận trung bình 10 học sinh nghỉ học mỗi ngày, trong đó khoảng 4 trường hợp nghỉ vì bệnh. Không có trường hợp nào nghỉ học do các triệu chứng tiêu hóa.

Cơ quan chức năng đang phối hợp điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ, xét nghiệm độc chất nhằm ngăn chặn kịp thời, tránh để xảy ra các trường hợp ngộ độc tương tự. Đại diện nhà trường cũng cho hay đang phối hợp với các cơ quan y tế điều tra nguyên nhân và đánh giá nguy cơ nhằm đảm bảo an toàn cho các học sinh và giáo viên.

ho-c-sinh-ca-p-cu-u-1728611771-5023-1728611903.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nAaUv5gy5Lbj6GIwWr9EfQ

Các học sinh khi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, chiều 10/10. Ảnh: Đ.H

Vài ngày trước, 40 sinh viên trường Cao đẳng Lào Cai rối loạn tiêu hóa, nôn, đau đầu, nhập viện cấp cứu sau khi ăn tối tại căng tin trường. Hiện, chưa rõ thực đơn bữa tối gồm những món ăn gì.

Hai tuần trước, 23 học sinh trường THCS và THPT huyện Kiên Hải, Kiên Giang vào viện cấp cứu sau khi ăn cơm gà và cơm sườn ở căn tin trường. Cơ quan chức năng kiểm tra ghi nhận căn tin chưa đảm bảo vệ sinh, khu nấu nướng gần lò đốt rác, phát sinh nhiều ruồi. Cơ sở nấu ăn này dùng nước từ giếng khoan chưa đảm bảo vệ sinh, sử dụng thực phẩm không rõ xuất xứ, không có sổ kiểm thực phẩm ba bước, không lưu mẫu thức ăn và thiếu trang bị bảo hộ lao động.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022