1. Một số loại trái cây và rau quả
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Catania, Ý, đã phát hiện ra, trong nhiều loại trái cây và rau quả mà chúng ta thường ăn như: cà rốt, rau diếp, táo và lê đều có chứa những hạt vi nhựa.
Đặc biệt, táo là một trong những loại trái cây có lượng vi nhựa cao nhất, với 195.500 hạt vi nhựa/gam; trong khi lê trung bình chứa khoảng 189.500 hạt vi nhựa/gam. Mặc dù mang đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nhưng súp lơ xanh và cà rốt cũng được chứng minh là những loại rau bị ô nhiễm nhiều nhất.
Hai nghiên cứu được công bố trước đó phát hiện ra rằng, vi nhựa đang xâm nhập vào rễ cây rau diếp và lúa mì, và rễ cây cũng hấp thụ các nano nhựa. Trái cây và rau quả có thể tích tụ vi nhựa thông qua quá trình hấp thụ từ nước hoặc đất bị ô nhiễm vi nhựa.
“Khi cắn một miếng táo, chúng ta gần như chắc chắn đang tiêu thụ vi nhựa có trong đó. Để giảm thiểu ô nhiễm nhựa, các tập đoàn nên thực thi việc giảm sử dụng nhựa và chất thải nhựa trong chuỗi cung ứng của họ. Việc sử dụng nhựa của chúng ta giảm bao nhiêu, thì chúng ta càng tiêu thụ ít vi nhựa bấy nhiêu”, Sion Chan, nhà vận động của Văn phòng Greenpeace Đông Á, tổ chức hoạt động vì môi trường tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết.

2. Muối
Thông qua nghiên cứu, Hội đồng Người tiêu dùng tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã phát hiện thấy vi nhựa trong 20% mẫu sản phẩm muối được thử nghiệm vào tháng 4/2020. Theo đó, sau khi thử nghiệm 1kg muối, họ tìm thấy được 114 - 17.200 miligam vi nhựa. Một số mẫu được thử nghiệm thậm chí còn cho thấy vi nhựa đến từ bao bì Polypropylene (PP) được mọi người sử dụng rộng rãi hiện nay.
Nuốt hạt vi nhựa ngang 1 tấm thẻ tín dụng mỗi tuần chỉ vì 7 thói quen tai hại trong bếp: Thay đổi ngay để giảm tải phơi nhiễm
Theo một nghiên cứu năm 2018 do Đại học Quốc gia Incheon, Hàn Quốc và Greenpeace Đông Á đồng thực hiện, trong số 39 thương hiệu muối được lấy mẫu từ 21 quốc gia, đến hơn 90% được phát hiện có chứa vi nhựa. Hiện nay, muối chứa vi nhựa vẫn có sẵn tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa hoặc cửa hàng trực tuyến. Dựa trên nghiên cứu quốc tế, có khả năng con người có thể tiêu thụ khoảng 20.000 hạt vi nhựa mỗi năm với lượng muối trung bình tiêu thụ hàng ngày là 10 gam.
3. Gạo
Loại thực phẩm dường như không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta cũng là thủ phạm ẩn chứa nhiều hạt vi nhựa. Một nghiên cứu của Đại học Queensland phát hiện ra rằng, cứ tiêu thụ 100 gam (1/2 cốc), chúng ta cũng sẽ đồng thời tiêu thụ từ 3-4 miligam nhựa. Đặc biệt, con số này tăng lên thành 13 miligam cho mỗi khẩu phần ăn đối với gạo ăn liền. Các nhà nghiên cứu cho biết, bạn có thể giảm ô nhiễm nhựa tới 40% bằng cách vo gạo. Điều này cũng giúp giảm asen (hay còn gọi là thạch tín) dạng vô cơ, có thể là tác nhân gây ung thư trong gạo.

Nhựa xâm nhập vào chuỗi thức ăn như thế nào?
Vi nhựa là những mảnh nhựa nhỏ có chiều dài dưới năm milimet, chủ yếu có nguồn gốc từ các sản phẩm nhựa dùng một lần hàng ngày của chúng ta, ví dụ như: bao bì siêu thị, lưới đóng gói trái cây, túi đóng gói bánh mì… Bao bì dùng một lần đã trở thành một trong những nguồn chính gây ô nhiễm nhựa.
Vi nhựa xâm nhập vào đại dương vì chúng quá nhỏ, khó sàng lọc trong quá trình xử lý nước thải. Rác thải nhựa không hòa tan trong nước mà phân hủy thành các hạt ngày càng nhỏ hơn, thường được các sinh vật phù du và động vật thân mềm tiêu thụ, và gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người qua đường ăn uống.
Tác hại của ô nhiễm vi nhựa đối với sức khỏe con người
Theo CNN, một nghiên cứu vào tháng 3/2024 phát hiện ra rằng, những người có hạt vi nhựa hoặc nano nhựa trong động mạch ở cổ có nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong… cao gấp đôi so với những người không có hạt này.
Vi nhựa gây hại cho sức khỏe của các sinh vật dưới nước, ví dụ như dị tật đường ruột ở cá. Vi nhựa có thể chứa các chất phụ gia độc hại và gây hại cho con người. Bên cạnh đó, vi nhựa còn có thể bám vào các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) như thuốc trừ sâu và chất làm dẻo, hoặc PE và PP thông thường. Cho dù ăn phải thực phẩm bị nhiễm nhựa hay hạt vi nhựa, sức khỏe của chúng ta đều bị đe dọa.
(Theo Greenpeace, CNN)