Loại quả giúp tăng sức đề kháng cho người bị cúm
Nhiều người cho rằng, bị cúm nên ăn cam thường xuyên. Quả thật, cam là một nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ cơ thể chống lại virus gây cảm cúm. Nước cam có thể giúp bổ sung năng lượng, giảm mệt mỏi và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Tuy nhiên, nếu bạn bị cảm cúm kèm viêm họng, thì nên hạn chế ăn cam hoặc uống nước cam quá chua. Lý do là axit trong cam có thể gây kích ứng niêm mạc họng, làm triệu chứng đau rát trở nên nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp này, bạn có thể thay thế bằng các loại trái cây ít axit như chuối.
Đây là một lựa chọn tuyệt vời cho người bị cảm cúm vì chuối giàu vitamin và khoáng chất quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng. Nhờ hàm lượng vitamin C, A và B6, chuối hỗ trợ quá trình trao đổi chất, cải thiện hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại virus hiệu quả hơn.
![photo-1739266873410-17392668735421583711697.png](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/11/photo-1739266873410-17392668735421583711697.png)
Ngoài ra, chuối còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt nhờ chất xơ và tác dụng nhuận tràng tự nhiên, giúp người bệnh ăn uống ngon miệng hơn. Đặc biệt, vitamin B6 trong chuối có thể làm giảm cảm giác mệt mỏi và hỗ trợ giấc ngủ, giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục sau khi bị cúm. Vì vậy, đây là một loại trái cây nên bổ sung vào chế độ ăn khi bị cảm cúm.
Lợi ích của việc ăn chuối thường xuyên
Bổ sung năng lượng hiệu quả
Chuối là nguồn cung cấp carbohydrate dồi dào, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra năng lượng cho cơ thể. Bên cạnh đó, chuối chứa các vitamin nhóm B như B3, B6 và B12, hỗ trợ quá trình chuyển hóa dinh dưỡng và giải phóng năng lượng từ thực phẩm.
Chuối có thể dùng như một bữa ăn nhẹ lành mạnh. Khi kết hợp với protein hoặc chất béo tốt, như hạnh nhân hoặc sữa chua Hy Lạp, chuối giúp ổn định đường huyết và duy trì năng lượng lâu hơn.
Hỗ trợ kiểm soát cân nặng
Với hàm lượng chất xơ và khả năng tạo cảm giác no lâu, chuối có thể giúp hạn chế cơn thèm ăn và kiểm soát lượng calo nạp vào. Dù không có bằng chứng khoa học khẳng định chuối giúp giảm cân trực tiếp, nhưng đây là một lựa chọn thực phẩm lành mạnh, dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn kiêng.
Một nghiên cứu năm 2023 đăng trên Frontiers in Nutrition cho thấy việc tăng cường tiêu thụ chất xơ từ trái cây và rau củ giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn. Một quả chuối trung bình cung cấp khoảng 3g chất xơ, đóng góp đáng kể vào nhu cầu chất xơ hằng ngày.
![photo-1739266909943-1739266910409807962739.png](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/11/photo-1739266909943-1739266910409807962739.png)
Tăng cường hệ tiêu hóa
Chuối chứa pectin - một loại chất xơ hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giúp loại bỏ chất thải hiệu quả. Tuy nhiên, khi chuối chín, hàm lượng pectin giảm dần. Do đó, chuối xanh hoặc chưa chín hoàn toàn sẽ có lợi hơn cho hệ tiêu hóa.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
2 loại quả dễ "ngậm" thuốc trừ sâu, cái số 1 thường xuất hiện trong bữa ăn của nhiều nhà
Chuối là nguồn kali phong phú, với khoảng 422 mg kali trong một quả trung bình, tương đương 9% nhu cầu khuyến nghị mỗi ngày. Khoáng chất này giúp duy trì chức năng tim mạch ổn định và có thể hỗ trợ giảm huyết áp. Vì huyết áp cao là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, việc tiêu thụ chuối có thể góp phần vào một chế độ ăn lành mạnh cho tim mạch.
Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Không chỉ giàu vitamin và khoáng chất, chuối còn chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa. Một nghiên cứu năm 2019 đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thực phẩm cho thấy chuối có hoạt tính chống oxy hóa cao hơn một số loại quả mọng và rau xanh. Nhờ đó, nó giúp giảm căng thẳng oxy hóa – yếu tố có thể gây viêm mãn tính và dẫn đến các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường và ung thư.
Ăn chuối bao nhiêu là đủ?
Hầu hết mọi người có thể ăn từ 1–2 quả chuối mỗi ngày mà không gặp vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, do chuối chứa hàm lượng carbohydrate cao, nên kết hợp với protein hoặc chất béo lành mạnh để duy trì mức năng lượng ổn định.
Những người mắc bệnh thận mãn tính cần hạn chế chuối vì kali trong chuối có thể gây tác động tiêu cực đến chức năng thận. Ngoài ra, người đang sử dụng thuốc chẹn beta cũng nên kiểm soát lượng chuối tiêu thụ, do thuốc này làm tăng nồng độ kali trong máu.
Một số trường hợp cần tránh ăn chuối:
Người có tiền sử dị ứng: Nếu xuất hiện triệu chứng như ngứa, sưng tấy hoặc khó thở, cần ngừng ăn và tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Người bị đau nửa đầu: Chuối có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng ở một số người nhạy cảm.
Không nên ăn khi đói: Hàm lượng magie và kali trong chuối có thể gây mất cân bằng điện giải, làm tăng nguy cơ đau bụng hoặc khó chịu đường tiêu hóa.
Không kết hợp với dưa hấu hoặc sữa chua: Cả chuối và dưa hấu đều giàu kali, có thể không tốt cho người bị suy thận. Ngoài ra, những người có hệ tiêu hóa yếu nên tránh ăn chuối cùng sữa chua để hạn chế nguy cơ đau bụng, tiêu chảy.
Dù giàu dinh dưỡng, chuối vẫn cần được tiêu thụ một cách hợp lý. Để đảm bảo sức khỏe tối ưu, nên bổ sung chuối vào chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng.