"Tôi đang rất sợ", Monica, người từng là bác sĩ cấp cứu ở Venezuela, hiện làm tài xế Uber ở bang Nam Carolina, nói về tương lai những tháng tới, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump phát động chiến dịch trục xuất quy mô lớn, cũng như ký sắc lệnh ngừng cấp quyền công dân cho những trẻ em sinh ra tại Mỹ có bố mẹ là người nhập cư trái phép.

Monica đang mang thai 14 tuần, nhưng cô không chắc đứa con chào đời trong 5 tháng tới có được cấp quốc tịch Mỹ hay không. Liệu hai mẹ con cô có trở thành mục tiêu trong chiến dịch trục xuất của chính quyền Trump hay không.

"Có quá nhiều điều không chắc chắn. Điều gì sẽ xảy ra với con tôi", Trinidad, người nhập cư đến từ Venezuela, cũng mang thai 14 tuần và đang làm giúp việc tại Bắc Carolina, cho hay.

Monica và Trinidad là hai trong 5 nguyên đơn kiện chính quyền Trump lên tòa án liên bang Maryland về sắc lệnh chấm dứt quy chế tự động cấp quyền công dân cho trẻ sinh ra trên lãnh thổ Mỹ.

Vụ kiện của nhóm Monica và Trinidad, do hai tổ chức dân quyền dẫn đầu, là một trong ít nhất 6 vụ kiện tương tự chống lại sắc lệnh do ông Trump ký ngày 20/1. Tổng chưởng lý hàng chục bang cũng đệ đơn kiện, cáo buộc sắc lệnh vi phạm hiến pháp Mỹ.

imrs-9-1739241222-2662-1739241497.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M8lZZ5Tc31GIyCnSeFGncw

Thai phụ Monica ôm bụng bầu ở Nam Carolina, Mỹ. Ảnh: WP

Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ được phê chuẩn năm 1868 nêu rõ "tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch vào Mỹ, nằm trong quyền tài phán của Mỹ, đều là công dân Mỹ và bang nơi họ cư trú".

Kể từ đó, quyền này đã được áp dụng cho mọi trẻ em sinh ra tại Mỹ, bất kể bố mẹ của đứa trẻ là người nhập cư bất hợp pháp hay đến Mỹ bằng thị thực du lịch hoặc du học sinh. Nhưng trong nhiều năm qua, ông Trump coi đây là "quy định lố bịch", thúc đẩy nhiều người đến Mỹ bất hợp pháp hoặc "du lịch sinh con".

Tuần trước, thẩm phán liên bang Deborah Boardman ra phán quyết đình chỉ tạm thời, ngăn sắc lệnh hành pháp của ông Trump có hiệu lực từ 19/2.

Phán quyết đem lại sự nhẹ nhõm lớn đối với những thai phụ nhập cư dự sinh vào cuối tháng 2 hoặc tháng 3. "Tôi rất mừng cho những bà mẹ đó", Trinidad nói. Cô và Monica dự sinh vào tháng 8.

cats-1739234006-8854-173923414-4554-6646-1739241497.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cfzyOae3J2uvojC4EPKkcw

Người di cư bất hợp pháp được giới chức Mỹ đưa lên máy bay về Venezuela hôm 10/2. Ảnh: Nhà Trắng

Monica cùng chồng rời khỏi Venezuela tới Mexico rồi vượt biên vào Mỹ năm 2019 để nộp đơn xin tị nạn. Trong quá trình chờ xem xét đơn xin tị nạn, hai vợ chồng được cấp giấy phép lao động và tình trạng lưu trú tạm thời, dự kiến kết thúc vào tháng 9.

Họ ban đầu sống ở Orlando, trước khi chuyển đến Nam Carolina. Ngoài lái Uber, cô còn dọn dẹp công trường xây dựng, làm bảo mẫu để kiếm thêm thu nhập, trong khi chuẩn bị đón con trai chào đời. Tuy nhiên, vợ chồng cô lo ngại rằng quy trình xem xét tị nạn sẽ khó khăn hơn nhiều trong chính quyền ông Trump.

Trong trường hợp Mỹ không cấp quyền công dân cho con trai, Monica cho biết việc xin quốc tịch Venezuela cho đứa bé cũng "gần như không thể", do không có cơ quan đại diện nào của Venezuela ở Mỹ để nộp đơn.

"Kể cả khi chúng tôi tìm đến được đại sứ quán Venezuela ở nước ngoài, chúng tôi có thể bị bắt ngay tại đó do là người xin tị nạn", Monica giải thích. "Chúng tôi sợ hãi mọi thứ, lo lắng rằng con trai sẽ trở thành người không quốc tịch. Tôi sẽ chiến đấu vì con đến cùng, trước khi nó chào đời".

Hai tuần trước, cô phải nhập viện vì trường hợp khẩn cấp liên quan đến em bé. Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân là do căng thẳng, yêu cầu cô nghỉ ngơi trên giường.

6a3beb4be5b5631c260d4e5db1f773-2011-4679-1739241497.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lpdRbQoIdajut4USMsAnkA

Gia đình Monica tổ chức lễ công bố giới tính con trong nhà ở Nam Carolina, Mỹ. Ảnh: WP

Còn Trinidad cùng chồng con rời Venezuela đến Mỹ bằng visa du lịch năm 2017, sau đó nộp đơn xin tị nạn. "Vì chính trị trong nước rối ren và tình trạng bạo lực, chúng tôi phải rời đi", cô giải thích.

8 năm sau, con gái 12 tuổi của Trinidad trở thành học sinh giỏi, luôn đạt điểm A, học taekwondo và thích đạp xe cùng bạn bè qua khu phố. "Ở Mỹ, chúng tôi có thể yên tâm đi bộ trên phố mà không sợ cướp giật", Trinidad nói.

Vợ chồng cô có giấy phép lao động ở Mỹ. Dù cảm thấy an toàn trong quá trình chờ xử lý đơn tị nạn, cô vẫn lo vì mọi thứ đang thay đổi quá nhanh.

Giống Monica, Trinidad lo ngại đứa con trong bụng sẽ trở thành người không quốc tịch. Trong trường hợp đó, gia đình có thể sẽ phải chuyển đến Nam Âu, làm lại cuộc sống mới từ đầu.

"Chúng tôi sẽ đương đầu với bất kỳ tình huống nào, nhưng sẽ là một quá trình cực kỳ khó khăn", Trinidad nói.

Đức Trung (Theo Washington Post, Guardian, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022