Arseny, nhân viên ngành công nghệ thông tin (IT) ở Moskva, rời Nga vào tháng 9/2022, khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố lệnh động viên một phần, yêu cầu các quân nhân dự bị nhập ngũ để tham chiến tại Ukraine.
"Hôm đó, mẹ gọi cho tôi lúc 12h trưa", anh nhớ lại. "Tôi ngủ dậy muộn, vẫn chưa đi làm. Mọi người lúc ấy đều theo dõi tin tức trên báo chí như hàng dài người xếp hàng chờ qua biên giới với Gruzia, hay nhiều người đang rao bán xe hơi. Tình cảnh rất hoảng loạn, nên tôi mua vé máy bay tới Yerevan, thủ đô Armenia".
![ap25029615641631-1739261102-17-1328-4505-1739261864.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=g7Vt4Ra8tdE1xkh8JAJ4dA](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/ap25029615641631-1739261102-17-1328-4505-1739261864.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=g7Vt4Ra8tdE1xkh8JAJ4dA)
Hai cô gái đi bộ ở Quảng trường Đỏ, Moskva, ngày 29/1. Ảnh: AP
Hiện chưa rõ bao nhiêu người Nga đã rời khỏi đất nước sau khi xung đột với Ukraine bùng nổ hồi tháng 2/2022. Luật sư nhân quyền Anastasia Burakova, người sáng lập nhóm Kovcheg, cho rằng con số này là "khoảng hai triệu người".
"Nhưng nhiều người trong số đó đã trở về Nga bởi cuộc sống ở nước ngoài rất khó khăn với những ai chưa có kinh nghiệm, trải nghiệm hay ngoại ngữ", cô nói.
Nhóm Kovcheg của Burakova hỗ trợ pháp lý và tâm lý, ngôn ngữ, chỗ ở tạm thời cho những người Nga rời đất nước. Cô cho hay khoảng một triệu người đã trở về Nga sau gần ba năm xung đột.
Artur, một nhân viên IT khác đến từ St Petersburg, rời đi ngay khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine.
"Cuộc chiến bắt đầu vào lúc không ai ngờ tới và rất khó dự đoán hậu quả", anh nói. "Vì tôi có thị thực Schengen và biên giới với Phần Lan chưa đóng cửa nên khi đó, tôi nghĩ rằng tốt nhất nên tới EU và quan sát tình hình ở Nga từ nước ngoài. May mắn là công việc của tôi có thể làm từ xa và tôi có tiền tiết kiệm bằng tiền điện tử nên ra đi nhanh chóng trong một ngày".
Vài tháng sau, anh quay lại St Petersburg để làm giấy tờ cư trú ở nước ngoài dài hạn, nhưng do lệnh động viên một phần được ban hành, Artur vội vã sang Belgrade, thủ đô Serbia. Anh không thể mở tài khoản ngân hàng ở đây, nhưng vẫn có đủ tiền tiết kiệm để trang trải cuộc sống.
Vào thời điểm đó, những người Nga di cư ra nước ngoài đối mặt rất nhiều thách thức. Nhiều quốc gia đóng cửa biên giới với công dân Nga, trừ trường hợp ngoại lệ như người có thị thực nhân đạo hoặc tị nạn.
Nhiều người ở lại những quốc gia không cần thị thực như Nam Caucasus, khu vực Biển Đen và Balkan, nhưng tình hình ở những khu vực này cũng xấu đi, theo Burakova.
Sau khi đến Yerevan, Arseny chuyển tới Serbia, quốc gia thân thiện với Nga. Khó khăn ập đến khi anh thất nghiệp và phải quay lại Nga vào tháng 9/2023, sau một năm sinh sống ở nước ngoài.
"Tôi không có việc làm trong 6 tháng, tiêu sạch tiền tiết kiệm", Arseny nói. "Có nhiều yếu tố cá nhân ảnh hưởng tới kết quả tìm việc. Tôi có thể tìm được việc ở châu Âu nhưng không phải công ty tốt. Ở Nga, ngành của tôi rất dễ tìm việc".
Còn tại Belgrade, Artur sống xa nhà, lúc nào cũng nhớ bạn bè, gia đình và mèo cưng. Do chi phí sinh hoạt ở đây đắt đỏ và khi thấy bạn bè xung quanh ở Belgrade lần lượt quay về Nga, anh quyết định làm theo.
"Thời điểm đó, tôi không tin ông Putin sẽ chấm dứt cuộc chiến vì làn sóng người Nga ra nước ngoài, và tôi cũng bắt đầu hiểu ra nền kinh tế Nga mạnh hơn mình tưởng. Cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm kèm các lệnh trừng phạt, mà tất cả những yếu tố này không gây bất kỳ trở ngại nào cho chính quyền Nga hiện nay", anh nói.
Nỗi sợ ban đầu về việc có thể bị bắt tại Nga lắng xuống. Artur không ủng hộ cuộc chiến, nhưng anh không còn lo ngại về nguy cơ bị bắt nếu lên tiếng phản đối chiến sự. Một số bạn bè của anh có quan điểm trái ngược nhưng họ vẫn cố gắng tìm được tiếng nói chung.
"Giá cả tăng mạnh trong vài năm gần đây, ở đâu cũng thế, nhưng cuộc sống hàng ngày ở Nga dễ chịu hơn nhiều so với ở Serbia", Artur nhận xét.
Hồng Hạnh (Theo Al Jazeera)