Những người cao tuổi này phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe, cả thể chất và tinh thần.

Ngay cả khi có hai chiếc quạt điện đang quay, nhân viên gác cổng đã nghỉ hưu Chun Loi (84 tuổi, ở Hong Kong, Trung Quốc) vẫn đổ mồ hôi đầm đìa trong căn hộ một phòng không có cửa sổ, ngột ngạt trong mùa hè oi bức tại đây. Căn phòng rộng gần 5 m2 của bà được ngăn bằng những tấm ván cũ kỹ với 4 phòng nhỏ khác, thường được gọi là các căn hộ chia nhỏ. Đây là một phương án nhà ở bất tiện nhưng rẻ tiền, rất phổ biến ở Hong Kong (Trung Quốc) - nơi là một trong những thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới.

Bà Chun Loi chia sẻ: "Tôi mệt mỏi, đổ mồ hôi. Nhưng tôi không thích vào ngồi trong các trung tâm thương mại, tôi chỉ vào đó ăn hoặc mua đồ ăn mang về. Tôi cố gắng ngồi nhà bật quạt và xem ti vi".

Ông Lam Chiu-ying - nhà hoạt động môi trường ở Hong Kong (Trung Quốc) - nói: "Không có gì để không khí ra vào, vì vậy ngay cả khi bật hết quạt lên, chỉ luôn có cùng một luồng không khí lưu thông, không ra cũng không vào. Do đó, ở những nơi như thế này, điều quan trọng là phải thông gió".

27082024-can-ho-hop-giay-o-hong-kong-2-55274539565188363682552-1724805605569-1724805606247777369038.jpg

(Ảnh: Hong Kong Free Press)

Căn hộ của bà Chun ở khu vực Cửu Long, có giá thuê khoảng 2.000 HKD (tương đương hơn 6 triệu đồng) một tháng. Bà đã chờ hơn 6 năm để được cấp nhà ở xã hội, nhưng cơ hội dường như sẽ còn nằm ngoài tầm với của bà rất lâu nữa.

Hong Kong (Trung Quốc) liên tục được xếp hạng là một trong những thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới, khiến các giải pháp nhà giá rẻ cho những người như bà Chun trở nên khó tìm hơn và làm tăng danh sách người chờ được cấp nhà ở xã hội.

Cuộc điều tra dân số vào năm 2021 cho thấy có hơn 200.000 người sống trong những không gian như "hộp giày" này - tức gần 1/50 người ở Hong Kong (Trung Quốc).

Các chuyên gia cảnh báo rằng năm 2024 dự kiến là năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Do đó, những người cao tuổi như bà Chun sống trong các căn hộ nhỏ, thông gió kém phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Ông Lam Chiu-ying nói thêm: "Điều tệ nhất là tình trạng kín hơi tạo điều kiện cho vi khuẩn, mầm bệnh và nấm mốc phát triển, vì vậy ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người".

Biến đổi khí hậu dường như đang dần biến thành thảm họa khí hậu với những người cao tuổi sống trong những căn hộ "hộp giày" ở Hong Kong (Trung Quốc).

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022