Mohammed, 26 tuổi, làm nghề lái xe máy giao hàng (shipper), uống một ngụm nước mát giữa trời nóng gần 50 độ C. Anh phải giao đủ đơn mỗi ngày để kiếm được tiền gửi về quê.

"Nắng nóng rất khắc nghiệt, mặt trời thiêu đốt. Tôi luôn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức", người bố có hai con nhỏ ở Pakistan nói. "Nhưng công việc này giúp tôi nuôi sống bản thân và gia đình".

AFP-20240807-367J6ML-v1-HighRe-4764-4364-1723024763.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4KKDAvhj1ZDkL3u5vys8HQ

Một tài xế giao đồ ăn ở Riyadh trưa ngày 19/7. Ảnh: AFP

Đất nước Arab Saudi rộng lớn vốn là một trong những quốc gia có khí hậu nóng nực nhất thế giới. Các rủi ro gắn liền với nhiệt độ cao càng gia tăng bởi biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cảnh báo mùa hè ở Arab Saudi có thể dài hơn và nóng hơn khi Trái Đất nóng lên.

Rủi ro đã được chứng minh hồi tháng 6, khi hơn 1.300 người chết trong cuộc hành hương Hajj thường niên tới thánh địa Hồi giáo Mecca. Đa số là người hành hương không có giấy phép và phơi nắng trong thời gian dài.

Arab Saudi đã ban hành luật cấm làm việc dưới ánh nắng trực tiếp, tại khu vực ngoài trời trong thời gian 12-15h từ giữa tháng 6 tới giữa tháng 9 để bảo vệ người lao động. Luật nằm trong chính sách nghỉ trưa được áp dụng rộng rãi khắp vùng Vịnh.

Nhưng Mohammed và những shipper khác, trong đó nhiều người lái xe máy, chịu áp lực phải làm việc trong khung giờ này để hoàn thành chỉ tiêu.

"Công việc rất vất vả, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác", Mohammed nói, mồ hôi đầm đìa sau lớp áo khoác dài tay chống nắng.

Các nhà hàng ở Arab Saudi từng tự giao hàng trong nhiều năm, chủ yếu sử dụng ôtô cỡ nhỏ có điều hòa. Tuy nhiên, số lượng các ứng dụng đặt giao đồ ăn gia tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt ở khu vực Vùng Vịnh, đã thúc đẩy nhu cầu tài xế xe máy. Những shipper này đa phần là người di cư từ Nam Á.

4 tháng trước, Mohammed tới Riyadh và gia nhập một công ty giao đồ ăn, nơi cung cấp cho anh một chiếc xe máy, chỗ ở và một bữa ăn mỗi ngày. Người thanh niên chỉ biết bập bõm vài câu tiếng Anh và ít tiếng Arab, làm việc cả tuần từ 9h tới 21h, kiếm được hơn 666 USD một tháng bao gồm tiền boa.

"Kinh tế gia đình khá hơn nhiều", anh nói, cho hay đã gửi về nhà 533 USD sau tháng đầu tiên làm việc.

Khoản thu nhập hấp dẫn nhưng cái giá phải trả đối với cơ thể khi làm việc dưới sức nóng khắc nghiệt vô cùng lớn.

"Làm việc dưới cái nắng gay gắt giữa trưa ở Arab Saudi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người lao động làm nghề giao hàng. Cơ thể có thể quá nóng dẫn tới tình trạng nguy hiểm tính mạng như sốc nhiệt", Karim Elgendy, chuyên gia Viện nghiên cứu Trung Đông ở Washington, nói.

"Áp lực phải đáp ứng thời hạn giao hàng khiến người lao động khó mà nghỉ ngơi đầy đủ, đồng thời khiến các biện pháp bảo vệ như uống nước, mặc quần áo mỏng, không thể thực hiện", ông nói.

AFP-20240807-367J6FK-v1-HighRe-5479-2419-1723024763.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5YSZowjozKAIVoK95n3q3A

Xe máy của tài xế giao đồ ăn đỗ bên ngoài một trạm xe buýt có điều hòa ở phía bắc Riyadh ngày 27/7. Ảnh: AFP

Nhiều shipper nghỉ ngơi trong các trạm xe buýt có điều hòa hoặc nhà hàng có máy lạnh. Để giữ nước, Hassan, 20 tuổi, tài xế người Pakistan, luôn để hai chai sữa chua và một bình nước trong hộp đựng đồ giao hàng trên xe.

"Đôi khi địa điểm giao hàng không chính xác và chúng tôi phải chờ khách lâu dưới nắng nóng. Điều đó khiến công việc vốn đã khó khăn càng gian nan hơn", anh vừa nói vừa thở gấp bên ngoài một cửa hàng mắt kính sang trọng ở trung tâm Riyadh.

"Không có thời gian nghỉ", Hassan cho hay, đội mũ bảo hiểm lên đầu và phóng đi lấy đơn hàng mới.

Shakil, tài xế 22 tuổi người Bangladesh, cho hay cũng không thể dừng lại. "Ánh mặt trời rất gay gắt, nhưng tôi không thể chậm trễ công việc", anh nói sau khi giao một đơn đặt đồ ăn trưa lúc 14h cho một khách hàng ở khách sạn tại trung tâm Riyadh và được boa 2 USD.

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022