Trong chuyến thăm đến Hungary gần đây, Waka Konohana, bình luận viên Japan Times ấn tượng mạnh bởi thái độ khác biệt của nhiều người Hungary 16-29 tuổi đối với việc kết hôn và lập gia đình, so với người Nhật Bản, quê hương của bà.

Tỷ lệ sinh của Hungary đã tăng đáng chú ý trong thập kỷ qua, từ 1,23 lên 1,59. Dù tỷ lệ này chưa chạm mốc 2,1, ngưỡng đủ để duy trì quy mô dân số, Konohana nhận xét đây có thể là bài học cho Nhật Bản, quốc gia đang vật lộn với tình trạng suy giảm nhân khẩu học nghiêm trọng.

Để hướng giới trẻ đến với quan điểm "trẻ em không phải gánh nặng mà là giá trị", chính phủ Budapest đã áp dụng các chính sách toàn diện nhằm giảm thiểu các rào cản đối với những người muốn lập gia đình, đồng thời xây dựng chương trình giáo dục giới tính đa chiều.

Kết quả là đại đa số phụ nữ trẻ nước này muốn có con, không chỉ một mà muốn 2-3 con, Kinga Joo, thành viên Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu, cố vấn Hiệp hội Gia đình lớn Hungary, cho biết.

Trong khi đó, chỉ 16,5% thanh niên Nhật Bản 17-19 tuổi tin rằng họ sẽ kết hôn. 1/3 người độc thân 20-40 tuổi cho biết chưa từng quan hệ yêu đương.

4724-1722590503-6584-1722590783.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5EZZ53EdO-xz9YYSiXxqQg

Một bà mẹ Hungary địu con tham gia lớp học nhảy ở Nyiregyhaza. Ảnh: Guardian

Các chính sách về gia đình của Budapest dựa trên ba điểm đáng chú ý chính, trong đó hai điểm đầu tiên là ưu đãi tài chính, trợ cấp nhà ở.

Chính phủ giảm thuế cho các cặp vợ chồng dựa trên số con mà họ sinh, miễn thuế thu nhập trọn đời cho nữ công dân có từ 4 con trở lên.

Nước này cũng mở các "gói vay em bé", trong đó các cặp vợ chồng có càng nhiều con thì càng phải trả ít nợ, khoản nợ giảm xuống còn 0 sau khi sinh ba con. Ngoài ra, các gia đình cũng sẽ được trợ cấp hoặc vay hàng chục nghìn USD để mua hoặc xây nhà, tùy thuộc vào số lượng em bé.

Điểm đáng chú ý thứ ba là loạt chính sách thúc đẩy người dân cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Ngoài thành quả tăng 60% lượng nhà trẻ trong thập kỷ qua, Hungary còn cung cấp chế độ nghỉ thai sản hào phóng cho cha mẹ và ông bà. Các cặp vợ chồng có thể nghỉ phép có lương 160 tuần sau sinh, cho đến khi đứa trẻ tròn ba tuổi, dài gấp gần ba lần chính sách nghỉ thai sản ở Nhật Bản.

Chính sách này đã tăng số lượng ông bố nghỉ phép để chăm con ở Hungary lên đến 30%, theo Eniko Ujvari, cựu chuyên gia tại tổ chức phi lợi nhuận Phong trào Ba Hoàng tử và Ba Công chúa, chuyên hỗ trợ thanh niên muốn có con ở Hungary.

Trong khi các công ty Nhật Bản thường yêu cầu giờ làm việc dài, với 15,7% nhân viên làm việc trung bình 50 giờ trở lên mỗi tuần, chỉ 1,5% số nhân viên ở Hungary có số giờ làm việc như vậy.

Tại Hungary, cả nhân viên bán thời gian và toàn thời gian đều được hưởng tối thiểu 20 ngày nghỉ phép có lương mỗi năm và con số này sẽ tăng theo độ tuổi. Trong khi đó, số ngày nghỉ phép của nhân viên Nhật Bản ít hơn khá nhiều.

Vào tháng 5, Nhật Bản đã thông qua luật yêu cầu các công ty cung cấp các lựa chọn làm việc linh hoạt cho những người có con nhỏ. Chuyên gia Ujvari đánh giá đây là một bước đi tốt nhưng cho rằng chính phủ nên đảm bảo rằng tất cả nhân viên, không chỉ những người có con, đều được hưởng lợi từ sự linh hoạt đó.

"Thanh niên chưa có gia đình cũng không nên cảm thấy bản thân đang phải làm bù phần việc của những đồng nghiệp đang nghỉ thai sản", Ujvari nói.

3780-1722590573-8170-1722590783.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bJuxMcxjiNixKfOkBs-Lzw

Áp phích khuyến khích người dân sinh con để tăng tỷ lệ sinh ở Hungary. Ảnh: Guardian

Gần 1/2 người Nhật 18-25 tuổi cho biết không muốn có con. Ngoài các lý do liên quan đến tài chính, chiếm hơn 40%, người Nhật còn nêu một số lý do khác như khó khăn trong nuôi dạy con, bất đồng quan điểm với bạn đời, sợ ly hôn,...

Theo bình luận viên Konohana, Nhật Bản có thể tham khảo chương trình giáo dục về đời sống gia đình của Hungary để giải quyết các vấn đề này. Chương trình được Budapest triển khai từ năm 2014 có nội dung đa dạng, trong đó có giáo dục giới tính căn bản, giáo dục về các mối quan hệ, đồng thời khuyến khích thanh thiếu niên, đặc biệt là nữ giới, theo đuổi sự nghiệp và ước mơ riêng trong khi có con.

"Giáo dục giới tính trước đây thiên về cách bảo vệ bản thân trước hành vi xâm hại tình dục, mang thai ngoài ý muốn hay các bệnh tình dục. Đã đến lúc giáo dục thế hệ trẻ về những mặt tích cực, như cách tạo điều kiện thuận lợi để lập gia đình, sinh con", bà Joo, cố vấn Hiệp hội Gia đình lớn Hungary, nhận định.

Chia sẻ với bình luận viên Konohana, một sinh viên luật 20 tuổi cho biết cô đã được học về tâm lý, cách giao tiếp trong mối quan hệ yêu đương. Cô ấp ủ dự định học thạc sĩ, trong khi muốn sinh 2-3 con.

Một sinh viên tâm lý 19 tuổi khác có người yêu cũng bày tỏ mong muốn học tiến sĩ. Theo nữ sinh này, điều quan trọng nhất trong mối quan hệ yêu đương là "dành thời gian chất lượng cùng nhau".

"Tôi rất ấn tượng khi chứng khiến sinh viên Hungary thảo luận sôi nổi về các vấn đề này. Các sinh viên nam, một số đang là nghiên cứu sinh, đều muốn thay phiên nghỉ phép cùng bạn đời nếu có con, nhằm hỗ trợ sự nghiệp cho nhau", Konohana cho biết.

"Chính phủ Nhật nên lắng nghe quan điểm của người trẻ nhiều hơn, thay vì chỉ tập trung thuyết phục họ kết hôn. Ngoài các chính sách hỗ trợ, công tác giáo dục họ cũng rất quan trọng", Konohana nhấn mạnh.

Đức Trung (Theo Japan Times)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022