Nhóm nghiên cứu từ Đại học Melbourne (Úc) mới đây đã ghép được bộ gene từ một cái đầu của con hổ Tasmanian, hay còn gọi là thylacine, được bảo quản trong etanol trong hơn 100 năm, cung cấp bản thiết kế DNA đầy đủ có khả năng giúp hồi sinh loài vật đã tuyệt chủng này.

loai-vat-quy-hiem-da-tuyet-chung-hon-100-nam-sap-duoc-hoi-sinh4-17292590483791990174857-1729557014193-17295570148931208067991.jpg

Theo trang IFLScience ngày 17/10, nhóm ước tính bộ gene mới ghép có độ chính xác trên 99,9%, khiến nó trở thành "bộ gene cổ xưa hoàn chỉnh và liền mạch nhất của bất kỳ loài nào tính đến nay". Chỉ còn 45 khoảng trống trong bản thiết kế DNA chứa khoảng 3 tỉ thông tin của loài vật đã tuyệt chủng này.

Dù khá thối rữa, mẫu vật chứa những vật liệu mà các nhà khoa học cho rằng không thể tìm thấy, bao gồm các phân tử RNA quan trọng để tái tạo lại bộ gene của thylacine.

So với ADN, ARN kém ổn định hơn nhiều và dễ bị hỏng qua thời gian, nên sự bảo tồn ARN có thể giúp con người hiểu về đặc điểm sinh học của hổ Tasmania theo cách chưa từng nghĩ đến.

Điều này có nghĩa là nhờ lấy được RNA từ chiếc đầu của con thylacine, các nhà nghiên cứu có thể có được thông tin liên quan đến mắt, mũi, lưỡi và các bộ phận khác trên khuôn mặt nó. Từ đó giúp họ xác định được con vật này đã nếm và ngửi những gì, thị lực ra sao và cách não bộ hoạt động.

Cho đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng không thể tái tạo lại toàn bộ bộ gene từ các mẫu vật lịch sử. Tuy nhiên, bộ gene mới ghép của con thylacine cho thấy "chúng ta hoàn toàn có thể có được một bộ gene phi thường từ các mẫu vật cũ", ông Andrew Pask, giáo sư về di truyền học và sinh học phát triển tại Đại học Melbourne (Úc), cho biết.

loai-vat-quy-hiem-da-tuyet-chung-hon-100-nam-sap-duoc-hoi-sinh3-17292590484011352042532-1729557015472-17295570156411258788262.jpg

Hổ Tasmania, hay Thylacine (Thylacinus cynocephalus) là loài thú có túi ăn thịt ở Úc với kích thước như chó sói đồng cỏ Bắc Mỹ. Loài động vật này biến mất cách đây khoảng 2.000 năm ở hầu khắp mọi nơi trên Trái đất, ngoại trừ đảo Tasmania của Australia. Là động vật ăn thịt đầu bảng có túi duy nhất sống ở thời hiện đại, hổ Tasmania đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái mà nó tồn tại.

Tuy nhiên, những người định cư Châu Âu trên đảo vào những năm 1800 cho rằng hổ Tasmania gây thiệt hại cho gia súc và săn bắt những con hổ Tasmania có đặc tính nhút nhát, thường kiếm ăn vào đêm đến mức tuyệt chủng.

Con hổ Tasmania cuối cùng sống trong điều kiện nuôi nhốt, tên là Benjamin, chết năm 1936 tại vườn thú Beaumaris ở Hobart, Tasmania.

Việc con hổ Tasmania cuối cùng chết diễn ra chỉ ít lâu sau khi hổ Tasmania được đưa vào tình trạng bảo vệ, nhưng động thái đó đã quá muộn để cứu loài động vật này.

Giờ đây, Colossal Biosciences, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Mỹ, đã hợp tác cùng Đại học Melbourne trong nỗ lực hồi sinh loài thylacine. Công ty này cũng đang hướng tới mục tiêu tái tạo lại loài voi ma mút và chim dodo bằng các kỹ thuật di truyền.

loai-vat-quy-hiem-da-tuyet-chung-hon-100-nam-sap-duoc-hoi-sinh2-17292590485741284238523-1729557016679-1729557016771826362807.jpg

Colossal nói họ cũng đã phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo đầu tiên có khả năng kích thích rụng trứng ở Sminthopsis crassicaudata (loài thú có túi nhỏ giống chuột và là họ hàng gần nhất của hổ Tasmania còn sống), một bước tiến có thể hỗ trợ chương trình nhân giống nuôi nhốt các loài đang bị đe dọa, cũng như thụ tinh phôi đơn bào và nuôi cấy chúng hơn một nửa thời gian mang thai trong tử cung nhân tạo.

Ông Pask mong đợi một "con vật trông giống thylacine" đầu tiên sẽ ra đời trong khoảng 3 - 5 năm tới nhờ công nghệ nói trên. Tuy nhiên, ông Pask sẽ không gọi nó là thylacine và cho rằng vẫn còn nhiều thứ phải làm để hiểu hơn về loài thú có túi này.

Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, Lao Động)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022