Tháng trước, ông Trump thông báo áp thuế 20% với Trung Quốc, giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi. Nhưng ông không dừng lại ở đó. Chỉ vài tuần sau, Tổng thống Mỹ thông báo áp thêm thuế đối ứng 34% với Trung Quốc, và sau đó liên tục tăng thuế khi hai nước đáp trả qua lại.

Hiện tại, hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ chịu mức thuế lên tới 145%. Và con số này có thể tăng thêm khi Bắc Kinh và Washington vẫn tuyên bố tiếp tục trả đũa nhau.

Đối với các gia đình Mỹ, điều này đồng nghĩa những mặt hàng đồ chơi đa dạng, giá cả hợp lý có thể trở thành món đồ xa xỉ. Gần 80% đồ chơi được bán ở Mỹ đều sản xuất tại Trung Quốc, theo Hiệp hội Đồ chơi Mỹ.

"Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá lên hàng chục lần. Sự nghiệp kinh doanh 46 năm qua của tôi đang bị đe dọa", Isaac Larian, giám đốc điều hành công ty đồ chơi MGA Entertainment ở California, nói.

gettyimages-1786518040-jpeg-17-2703-3722-1744527298.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3Rrgsk6UBHXTTI13MjyN5Q

Một gian hàng đồ chơi ở Mỹ. Ảnh: LA Times

Ông Trump cho biết một trong những động lực chính thúc đẩy đòn thuế là đưa sản xuất trở lại Mỹ. Tuy nhiên, Larian cho biết cuộc chiến thuế quan sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhà máy sản xuất đồ chơi của ông ở Hudson, Ohio, nơi có khoảng 700 nhân viên.

Trong khi phần lớn hoạt động sản xuất của MGA diễn ra ở Trung Quốc, nhà máy ở Ohio này phụ trách sản xuất phần lớn dòng sản phẩm đồ chơi Little Tikes như ôtô và hộp cát. Cơ sở này có thể sản xuất nhiều đồ chơi hơn, nhưng ông Larian cho biết người Mỹ "không muốn làm việc trong các nhà máy".

Ngay cả khi tìm thêm được công nhân, Larian cho biết chi phí sản xuất đồ chơi ở nhà máy Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với ở Trung Quốc. Mức lương tối thiểu cho công nhân ở Ohio là 17 USD mỗi giờ, trong khi mức này ở Trung Quốc là 3-4 USD.

Ngoài ra, việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất tóc cho búp bê ở Mỹ cũng đặc biệt khó khăn. "Không có nhà máy nào ở Mỹ có thể làm tóc cho búp bê. Tôi phải làm gì bây giờ? Bán búp bê trọc đầu ư?", Larian nói.

Trung Quốc hiện là nguồn cung đồ chơi hàng đầu cho Mỹ. Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra Trung Quốc chiếm tới 75% lượng đồ chơi nhập khẩu nước ngoài của Mỹ, với giá trị khoảng 13,4 tỷ USD.

Greg Ahearn, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hiệp hội Đồ chơi Mỹ, cho hay điều này bắt đầu từ những năm 1980-1990, khi các công ty tìm kiếm những địa điểm sản xuất đồ chơi có chi phí thấp. Ahearn cho hay Trung Quốc có nguồn lao động lớn với mức lương thấp hơn nhiều nơi khác, giúp giảm chi phí sản xuất và giá bán.

Dù các ngành công nghiệp đã được nâng cấp công nghệ hiện đại trong những năm qua, sản xuất đồ chơi vẫn đòi hỏi lao động thủ công phụ trách vẽ mặt cho búp bê hoặc các mô hình nhân vật. Ahearn, từng là giám đốc marketing của chuỗi cửa hàng đồ chơi Toy "R" Us ở Mỹ, thêm rằng nhiều nhà sản xuất đồ chơi được coi là doanh nghiệp nhỏ và họ dễ dàng khai thác cơ sở hạ tầng hiện có ở Trung Quốc hơn là xây dựng nhà máy mới ở Mỹ.

gettyimages-2045182242-jpeg-17-4910-5638-1744527298.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ikXYjrkcdnaqahKMUq4exg

Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất đồ chơi ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: CNN

"Trong ngắn hạn, không có giải pháp thay thế nào. Đúng là vẫn có hoạt động sản xuất tại Mỹ, nhưng chủ yếu là hoạt động sản xuất có tính chất tự động hóa cao", ông nói.

Jay Foreman, giám đốc điều hành công ty sản xuất đồ chơi Care Bears và xe tải Tonka, cho biết trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2, sau khi ông Trump áp thuế 20% với Trung Quốc, rằng toàn bộ chuỗi cung ứng của ông đều ở quốc gia châu Á này.

"Có những thứ bạn không thể sản xuất ở Mỹ và đồ chơi là một trong số đó", ông nói.

Sau khi mức thuế 145% được công bố, Foreman cho biết "tình hình đã biến thành cuộc khủng hoảng" đối với toàn bộ ngành công nghiệp. "Thuế quan không chỉ đe dọa tới giá cả và số lượng đồ chơi trên thị trường, mà còn là cả sự tồn vong của ngành công nghiệp này", Foreman nói.

Ahearn cảnh báo việc sụt giảm doanh thu có nghĩa "một số có thể không đủ sức duy trì hoạt động kinh doanh".

Thùy Lâm (Theo CNN, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022