Olena Litovchenko, một huấn luyện viên cá nhân (PT), đã bám trụ ở thủ đô Kiev của Ukraine suốt gần ba năm chiến tranh nổ ra. Nhưng khi hay tin về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về đàm phán kết thúc chiến sự Ukraine, cô lo ngại viễn cảnh Kiev thất bại đang tới gần.

"Cảm giác như Ukraine đã bị lừa", Litovchenko nói. "Đây là lần đầu tiên tôi nghĩ có lẽ cần phải rời bỏ đất nước. Nhưng chúng tôi biết đi đâu? Có lẽ là châu Âu? Hay Australia? Tôi không biết nữa. Tôi cảm thấy tức giận và bị phản bội".

Đây cũng là cảm xúc chung của nhiều người dân ở trung tâm Kiev, theo ghi nhận của phóng viên Guardian. Kể từ khi ông Trump đắc cử hồi tháng 11/2024, nhiều người Ukraine vẫn nuôi hy vọng mọi thứ sẽ không tồi tệ như một số dự đoán. Họ kỳ vọng ông Trump sẽ tìm được tiếng nói chung với Tổng thống Volodymyr Zelensky, chính trị gia cũng xuất thân từ ngành giải trí như ông.

Thiet-ke-chua-co-ten-88-173949-7030-8657-1739500141.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HogWFCjKbjemoXsZZiHJiQ

Người dân Kiev đi bộ qua một dãy nhà bị không kích, ngày 12/2. Ảnh: AFP

Một số người thậm chí còn tin ông Trump sẽ cho phép Ukraine sử dụng mọi loại vũ khí được cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga, khác với cách tiếp cận thận trọng của cựu tổng thống Joe Biden. Số khác lạc quan rằng những động thái khó lường của ông Trump bằng cách nào đó sẽ giúp xoay chuyển cục diện chiến sự theo hướng có lợi cho Kiev.

Nhưng khi tin tức về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga - Mỹ lan truyền khắp Ukraine, các kỳ vọng này dường như đã trở thành ảo tưởng.

Trong cuộc điện đàm kéo dài 1,5 giờ ngày 12/2, ông Trump và ông Putin đã thảo luận về "đàm phán hòa bình ngay lập tức" để chấm dứt xung đột Ukraine. Vài giờ sau, ông chủ Nhà Trắng mới gọi điện cho ông Zelensky, đặt Tổng thống Ukraine vào thế "đã rồi".

Trong họp báo cùng ngày, ông Trump bác bỏ khả năng Kiev gia nhập NATO và ủng hộ tuyên bố từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth rằng Ukraine khó khôi phục lại được đường biên giới trước năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Ông cũng tỏ ý định tìm cách thu hồi số tiền Mỹ đã viện trợ cho Ukraine.

Oleh Pavlyuk, cây viết trên trang tin Evropeiska Pravda, mô tả những phát biểu của ông Trump là "gáo nước lạnh" dội vào Ukraine và những đồng minh châu Âu ủng hộ Kiev.

3000-1-1739498855-5736-1739500141.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cMhO7l7x7C-uZysC14ebBQ

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Tâm trạng của người dân ở Kiev ngày 13/2 rất u ám. "Tôi cảm thấy thất vọng và tức giận. Không có gì đảm bảo chiến sự sẽ kết thúc, bởi ông Trump không coi Ukraine là một bên ngang hàng, bình đẳng trong các cuộc đàm phán", Oleksii, 34 tuổi, nhân viên IT ở thủ đô Ukraine, bày tỏ.

Tổng thống Zelensky cũng không vui vì ông Trump điện đàm với ông Putin trước, nhưng cho biết cuộc thảo luận giữa ông và Tổng thống Mỹ sau đó diễn ra "tốt đẹp" và ông chủ Nhà Trắng "không mô tả ông Putin và Nga là ưu tiên".

Serhii, lính Ukraine 39 tuổi vừa rút khỏi tiền tuyến để về nghỉ phép, không tin rằng ông Trump sẽ thúc đẩy một thỏa thuận có lợi cho Ukraine, sau những gì Tổng thống Mỹ bày tỏ trong nhiệm kỳ đầu.

Giống nhiều người lính khác ở tiền tuyến, Serhii có cảm xúc lẫn lộn về ý tưởng tổ chức đàm phán hòa bình theo sáng kiến của ông Trump, lo sợ rằng chúng sẽ chỉ tạo điều kiện cho Nga có thêm thời gian tái tập hợp lực lượng và khiến chiến sự kéo dài. Nhưng người lính này cũng thừa nhận quân đội Ukraine không thể chiến đấu vô tận.

"Một mặt, tôi phản đối đàm phán vì mọi người đều hiểu Nga có thể tấn công chúng tôi sau vài năm nữa. Mặt khác, chúng ta cần đàm phán, nhưng phải tuân theo các điều khoản của Ukraine. Nếu không, tôi đang chiến đấu vì điều gì? Đồng đội và người dân Ukraine mất mạng vì điều gì?", Serhii nói.

afp-20250208-musiienko-notitle-6571-5656-1739500141.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zB2Pk8PqaKJVKQyEI7h8rQ

Thân nhân binh sĩ Ukraine mất tích bên ngoài văn phòng Chữ thập Đỏ ở Kiev, ngày 7/2. Ảnh: AFP

Những người khác hy vọng cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin sẽ là khởi đầu cho một hình thức hòa bình nào đó, tin rằng chấm dứt đổ máu vẫn tốt hơn là tiếp tục chiến sự.

Roman, đầu bếp 20 tuổi, nói ông Trump điện đàm với ông Putin là điều "hiển nhiên" khi chiến sự đã kéo dài gần ba năm, gây ra tổn thất nặng nề cho cả hai bên. "Lẽ ra họ phải liên lạc sớm hơn. Tôi mừng vì các bên bắt đầu tìm được tiếng nói chung, dù không biết cái giá phải trả", anh nói.

Một số cũng hy vọng về khả năng Tổng thống Trump tạo bất ngờ trong các cuộc đàm phán với ông Putin.

"Vấn đề là ông Trump rất khó lường", một sĩ quan Ukraine ở Donbass nói. "Cái tôi của ông ấy rất cao, nên biết đâu khi bị mọi người chỉ trích 'bị Tổng thống Putin qua mặt', ông Trump sẽ tự ái và đổi chiều".

Trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nhấn mạnh Tổng thống Trump là "nhà đàm phán giỏi nhất hành tinh" vì đã đưa cả Moskva và Kiev đến bàn đàm phán để tìm kiếm hòa bình, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ đang "phản bội" Ukraine.

"Không có sự phản bội nào cả. Chúng tôi chỉ đang thừa nhận rằng cả thế giới và Mỹ đều mong muốn hòa bình, một nền hòa bình thông qua đàm phán", ông nhấn mạnh.

Đức Trung (Theo Guardian, CNN, AFP, Kyiv Independent)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022