Anh Theodoric Chew là một bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu và dễ bị áp lực. Thế nhưng chính căn bệnh này lại thôi thúc chàng trai Châu Á 28 tuổi nảy ra một ý tưởng khởi nghiệp làm giàu chẳng giống ai, đó là mở startup chuyên điều trị bệnh tâm thần, nhắm tới những người cùng cảnh ngộ như mình.
"Chúng tôi không chỉ là một ứng dụng hay đường dây trợ giúp mà còn là cả một hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, có khả năng đối phó được mọi cấp độ bệnh lý cũng như đáp ứng được bất kỳ yêu cầu giúp đỡ nào", CEO Theodoric Chew của Intellect, một startup chuyên về bệnh tâm thần đã gọi vốn được 20 triệu USD, tự hào nói.
Nhà khởi nghiệp 28 tuổi đến từ Singapore này cho hay Intellect có thể hỗ trợ được từ những ca khó như bệnh nhân mắc chứng tâm thần nặng cho đến những cuộc gọi trò chuyện với các trường hợp nhẹ như cải thiện lòng tự tin khi giao tiếp xã hội.
Anh Theodoric Chew
Được thành lập từ năm 2019, Intellect có đủ mọi loại dịch vụ, từ kiểm tra sức khỏe tâm thần cho đến tư vấn cá nhân để cải thiện những chứng rối loạn nhỏ cho người bệnh.
Năm 2024, startup này đã có đến 200 nhân viên hoạt động ở 12 quốc gia, phục vụ hơn 3 triệu lượt bệnh nhân thường xuyên.
Bỏ học và "hoang tưởng"
Hành trình khởi nghiệp của Chew có lẽ không giống người thường khi bản thân anh mắc một số triệu chứng tâm thần.
Ngay từ khi còn là vị thành niên, Chew đã làm rất nhiều nghề, từ bán hàng trên mạng cho đến chạy quảng cáo trực tuyến. Chính quãng thời gian này đã khiến chàng trai trẻ tiếp xúc với kinh doanh từ sớm cũng như có được kinh nghiệm thực tế.
"Rất nhiều nghề tôi làm trong giai đoạn học cấp 2 (12-16 tuổi). Tôi thậm chí đã bắt đầu khởi nghiệp một số dự án tại thời điểm đó", anh Chew nói khi cho biết mình vẫn đỗ vào Viện Raffles Institute, một trong những ngôi trường danh giá nổi tiếng nhất Singapore.
Tuy nhiên ở tuổi 16 với quá nhiều kinh nghiệm kinh doanh, Chew quyết định bỏ học để chạy theo ước mơ làm giàu. Động thái này khiến nhiều người coi Chew bị "hoang tưởng" khi chẳng ai tin rằng một cậu nhóc 16 tuổi có thể làm nên sự nghiệp khi từ bỏ ngôi trường danh giá.
"Nhìn về dài hạn thì tôi thấy bản thân không thực sự muốn trở thành con ngoan trò giỏi, một sinh viên ưu tú đứng đầu lớp, học tại trường đại học danh tiếng, ra làm bác sĩ hay luật sư", anh Chew nhớ lại quyết định thời đó.
Trái với con đường mà nhiều người vẫn đi là kiếm tấm bằng giỏi, một công việc tốt thì cậu nhóc Chew 16 tuổi thời đó lại muốn khởi nghiệp làm giàu từ các dự án của mình. Sự bươn trải vào đời từ sớm khiến Chew hiểu rằng thà làm chủ còn hơn là làm nhân viên làm công ăn lương, cuối tháng hết tiền.
"Đối với tôi thời đó, thà đi khởi nghiệp từ sớm còn hơn là ngồi mơ mộng hão huyền cho tương lai sau này", anh Chew nhớ lại quyết định năm 16 tuổi.
Nhờ khởi nghiệp từ sớm mà năm 20 tuổi, anh Chew đã thành công với startup Existgreat, một nền tảng nội dung chuyên về cải thiện tự thân với những bài phỏng vấn cùng nhà khởi nghiệp Mỹ hay các diễn giả nổi tiếng khác.
Tiếp nối đà thành công này, Chew bắt đầu với hàng loạt dự án khác và tiêu biểu trong số đó là Intellect.
Biến nhược điểm thành lợi thế
"Tôi gặp triệu chứng dễ bị áp lực (Panic Attrack) và rối loạn lo âu (Anxiety Disorder) đầu tiên là vào năm 16 tuổi. Đó là lúc mà tôi nhận ra mình có vấn đề về tâm thần", anh Chew nhớ lại.
Sau khi đi khám với chuyên gia, anh Chew bị chẩn đoán rối loạn lo âu, một dạng bệnh tâm thần nhẹ khá phổ biến hiện nay.
Thế nhưng thay vì sợ hãi, anh Chew lại thấy một tiềm năng kinh doanh cực lớn từ chứng bệnh tâm thần này khi nguồn cung chữa bệnh tại Châu Á của mảng này còn khá hạn chế dù lượng bệnh nhân không hề nhỏ.
Số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy gần 1 tỷ người trên toàn cầu mắc các chứng bệnh tâm thần khác nhau. Trong đó 260 triệu bệnh nhân là sống ở khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo của "Aon and Telus Health" thì cho thấy 82% số người lao động Châu Á đối mặt nguy cơ từ vừa đến cao khi mắc các triệu chứng bệnh tâm thần trong quá trình làm việc căng thẳng.
"Thông tin Châu Á là một trong những khu vực có tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cao nhất trên thế giới không có gì lạ nhưng việc xây dựng chuỗi cung ứng chữa bệnh lại chưa được chú trọng đầy đủ", anh Chew nhận định.
Theo anh Chew, khác với Phương Tây, giới lao động trẻ Châu Á thường ít khi bộc lộ điểm yếu tinh thần nơi công cộng hoặc cho người khác xem. Điều này khiến các chứng bệnh tâm thần bị kéo dài dẫn đến những triệu chứng nghiêm trọng do thiếu các chuyên gia hỗ trợ.
Mặc dù nhiều bệnh viện tâm thần hay các khoa tâm lý đã được xây dựng nhưng chúng chủ yếu điều trị những người đã có triệu chứng chuyển nặng.
Trong khi đó anh Chew chứng kiến nhiều bạn bè của mình cũng có triệu chứng bệnh tâm thần nhẹ nhưng chẳng biết nhờ cậy ai hay bắt đầu điều trị từ đâu. Thậm chí nhiều người còn phớt lờ nó, coi đó như một hệ lụy đi kèm trong công việc.
Đây chính là lý do mà Intellect ra đời.
Thách thức
"Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, các nhà sáng lập cần có chút hoang tưởng. Tôi không nghĩ mình là người thông minh nhất hay có nhiều khả năng đặc biệt nhưng tôi lại có tham vọng cháy bỏng, điều đó đã giúp tôi thành công", anh Chew cho biết.
Bản thân Chew biết được rằng mình mắc bệnh tâm thần, đâu là điểm yếu và mạnh của bản thân nên luôn tìm cách học hỏi hay thậm chí "thuê ngoài" (Outsource) những phần việc mà mình không giỏi.
"Với tư cách là một nhà khởi nghiệp trẻ, tôi cần biết mình kém ở mặt nào thay vì chỉ nghĩ mình giỏi cái gì, qua đó đặt bản thân vào tư thế thấp để học hỏi. Bằng chứng là đội ngũ điều hành của Intellect đều là những người có kinh nghiệm cũng như nhiều tuổi hơn tôi", anh Chew chia sẻ.
Tất nhiên trong làng khởi nghiệp, sự lo âu và áp lực là điều không thể tránh khỏi, nhất là những người mắc bệnh tâm thần như Chew. Tuy nhiên nhà khởi nghiệp này cho biết vẫn đang nỗ lực kiểm soát cảm xúc và áp lực công việc, cố gắng phân chia giữa lao động và nghỉ ngơi.
"Nghỉ ngơi đôi khi là điều bắt buộc trong công việc. Có thời gian rảnh riêng tư cho cá nhân là điều cực kỳ quan trọng với tôi trong chặng đường dài khởi nghiệp", anh Chew nói.
*Nguồn: CNBC