Bảo tàng Hecht thuộc Đại học Haifa ở thành phố Haifa, miền bắc Israel, ngày 11/9 trưng bày lại chiếc bình gốm có niên đại trong khoảng năm 1130 tới 1500 trước Công nguyên, sau khi các chuyên gia phục chế ghép lại chiếc bình vỡ.
Chuyên gia Roee Shafir cho biết việc khôi phục chiếc bình khá đơn giản, họ đã dùng công nghệ 3D, video độ phân giải cao và keo dán đặc biệt.
Chưa đầy hai tuần sau sự cố, chiếc bình hoàn chỉnh đã được bàn giao lại cho bảo tàng. Nó có vài vết nứt và lỗ nhỏ, nhưng hình dạng ban đầu đã được tái tạo.
Chiếc bình vẫn không được trưng bày trong tủ kính. Điểm khác biệt so với trước đây là có thêm biển báo với dòng chữ "vui lòng không chạm vào".
Chiếc bình cổ 3.500 tuổi được phục dựng lại và trưng bày ở bảo tàng Hecht thuộc Đại học Haifa ở thành phố Haifa, miền bắc Israel, ngày 11/9. Ảnh: AP
Ariel Geller, 4 tuổi, tháng trước làm vỡ chiếc bình cổ trong lúc tham quan bảo tàng Hecht cùng gia đình. Giám đốc bảo tàng Inbal Rivlin lập tức an ủi gia đình Geller: "Đừng sợ, chúng tôi sẽ không kiện mọi người đâu".
"Có những trường hợp các vật phẩm trưng bày bị cố ý làm hỏng và chúng tôi sẽ xử lý rất nghiêm khắc, cảnh sát có thể nhập cuộc", Lihi Laszlo, đại diện bảo tàng, nói. "Tuy nhiên, trong trường hợp này, một đứa trẻ chỉ vô tình làm vỡ bình và chúng tôi có cách phản ứng phù hợp".
Rivlin nói việc chiếc bình bị vỡ là cơ hội tốt để bảo tàng học cách phục hồi cổ vật, đồng thời khẳng định muốn gia đình Geller, những người đã rút ngắn chuyến tham quan sau khi sự cố xảy ra, cảm thấy được chào đón khi trở lại.
Ngày 30/8, gia đình Geller đã thăm lại bảo tàng và được mời quan sát quá trình phục dựng. Cậu bé cũng tặng cho bảo tàng một chiếc bình làm từ đất sét.
Chiếc bình cổ được khai quật ở Samaria, miền trung Israel, trưng bày tại bảo tàng Hecht trong 35 năm. Rivlin cho biết chiếc bình cùng nhiều hiện vật khác không được trưng bày trong tủ kính do họ muốn du khách được khám phá lịch sử mà không gặp cản trở nào.
Ngọc Ánh (Theo AP)