Số lượng công việc khủng khiếp
PV: Đạo diễn Hoàng Công Cường vừa hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ để tạo ra Ngày hội văn hóa vì hòa bình với sự tham gia của 10.000 người. Nghe nói sau chương trình anh đã "sập nguồn"?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Đến thời điểm này, tôi đã được tái tạo năng lượng nhờ phản hồi tích cực từ truyền thông và mạng xã hội, mang lại cho tôi sức khỏe tinh thần cực tốt nên hồi phục nhanh chóng. Suốt 5 tháng thực hiện chương trình, tôi đã họp gần 100 cuộc. Trong 3 tháng gần đây, ngày nào tôi cũng cầm điện thoại 12 tiếng để nghe và nhắn tin cho tất cả các nhóm với khối lượng công việc khủng khiếp.
Tôi phải điều khiển 10.000 người, trong đó chỉ có 400 diễn viên chuyên nghiệp, còn lại là diễn viên không chuyên, bà con từ các làng nghề, quần chúng nhân dân. Việc kết hợp các quận huyện khác nhau để tạo thành một tiết mục cũng là thử thách rất khó khăn. Văn hóa di sản vật thể và phi vật thể khi trình diễn trên sân khấu phải đúng yếu tố lịch sử và mang tính bản thể của nó từ trang phục, đạo cụ đến quy định về tín ngưỡng phải chuẩn xác và chi tiết.
PV: Đọc kịch bản mới thấy khối lượng công việc anh cần thực hiện quá lớn bởi phải viết chi tiết để tạo ra một chương trình có giá trị trong khi phải điều hành, kết hợp cả vạn người tham gia. Khi nhận lời đạo diễn "Ngày hội văn hóa vì hòa bình", anh có lường trước được những thách thức phải đối mặt? Có khi nào anh muốn bỏ cuộc vì quá áp lực?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Nhiều lần tôi có suy nghĩ muốn bỏ cuộc bởi quá nhiều việc không tên. Chưa bao giờ tôi phải quán xuyến nhiều khâu như thế đến mức stress. Ngoài việc chịu áp lực trước hàng triệu nhân dân, tôi còn phải chịu trách nhiệm với các sở ban ngành và đầu mối của các tiết mục.
Tôi xem đi xem lại bài Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao và clip đó đã tiếp thêm cho tôi năng lượng và ngập tràn cảm xúc. Khi tưởng tượng ra sân khấu thì tất cả vỡ òa. Đó là điều giữ tôi lại và tạo động lực rất lớn. Ngoài di sản các làng nghề và tín ngưỡng phi vật thể lẫn vật thể, thứ truyền cho tôi cảm xúc mạnh mẽ là khoảnh khắc Đại đoàn 308 tiến về Thủ đô và chào cờ vào 3 giờ chiều ngày 10/10/1954. Khi xem clip đó tôi vô cùng xúc động và nghĩ rằng có lẽ mình được trao gửi rồi nên tự động viên phải cố gắng vượt qua.
Suốt 3 tháng lúc nào tôi cũng trong trạng thái căng thẳng
PV: Khán giả ấn tượng nhất với đại thực cảnh tái hiện hình ảnh đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, đây có phải tiết mục anh hài lòng nhất?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Đây cũng là phần làm tôi xúc động nhất bởi ngay từ đầu đã xác định đó là điểm nhấn của chương trình Ngày hội văn hóa vì hòa bình. Khi bắt đầu viết đề tài này, tôi chỉ nghĩ về mỗi hình ảnh đó và bị tự kỷ ám thị cho rằng nó sẽ cực kỳ thú vị.
Khi xây dựng kịch bản mới thấy khối lượng công việc thật sự kinh khủng. Lựa chọn di sản hay làng nghề nào, tín ngưỡng nào cũng là điều không dễ. Ban đầu tôi chỉ muốn làm một đại thực cảnh nói về Hà Nội từ những năm tháng kháng chiến đến khi giải phóng thế nào, Đại đoàn 308 tiến về Thủ đô thế nào.
Nếu đưa yếu tố văn hóa Hà Nội vào thì khối lượng công việc cực lớn nhưng rất may tôi được sự hỗ trợ của ban cố vấn lẫn lãnh đạo Sở VH-TT. Khi mọi người bước ra sân khấu và đúng đội hình thôi đã là thành công lớn. Đứng thành bao nhiêu hàng lối như vậy với diễn viên chuyên nghiệp còn khó chứ đừng nói đây hầu hết là không chuyên.
PV: Chương trình diễn ra hoành tráng và thành công như khán giả đã thấy trên sóng trực tiếp hay các clip đăng trên mạng xã hội. Nhưng không rõ trong hậu trường lúc đó đạo diễn điều hành công việc ra sao và sự căng thẳng của Hoàng Công Cường ở mức độ nào? Vì chương trình này anh đã sụt mất bao nhiêu kg?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Suốt 3 tháng lúc nào tôi cũng trong trạng thái căng thẳng nhưng khi tổng duyệt mức độ còn khủng khiếp hơn bởi nhiều người tham gia, nhiều tiết mục và nhiều lát cắt trong kịch bản quá. Nhưng không hiểu sao cứ trước khi diễn ra một chương trình cực lớn, tôi lại được truyền một nguồn năng lượng không lý giải nổi. Sau tổng duyệt đầu óc tôi lại trong veo, nhìn được hết mọi vấn đề và giữ được tinh thần mạnh mẽ để vượt qua.
Chương trình thực sự lắm rủi ro vì mỗi đoàn diễu hành lại có phần nhạc nền khác nhau. Có quá nhiều người tham gia nên tôi sợ họ không đáp ứng được kịch bản bởi hầu hết là diễn viên nghiệp dư. Việc bố trí sơ đồ cho các đoàn người tập kết quanh Bờ Hồ gần 1 cây số và sắp xếp theo thứ tự kịch bản cũng nhiều bất trắc.
Tôi may mắn có một ê-kíp thiện chiến và 1 tuần trước sự kiện gần như chúng tôi không ăn, không ngủ. Có ngày thức đến 2 giờ sáng nhưng 4 giờ sáng bật dậy vì áp lực khiến mình không thể ngủ nổi. Tôi sụt 5kg trong quá trình thực hiện chương trình.
PV: Nếu bây giờ lại có đơn đặt hàng muốn anh đạo diễn một chương trình quy mô như ngày 6/10 vừa qua, Hoàng Công Cường có dám nhận ngay?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Cuộc đời tôi luôn phải đối mặt với thử thách với nhiều chương trình lớn nhưng tôi rút ra là càng áp lực bao nhiêu thì chương trình đó càng thành công vang dội bấy nhiêu như đại thực cảnh ở Thác Bản Giốc hay SEA Games... Tôi đa phần nhận những dự án khó khăn từ thời gian, quy mô, con người.... với áp lực lớn. Tôi sẽ không dừng lại ở Ngày hội văn hóa vì hòa bình bởi sứ mệnh của tôi là được lựa chọn làm việc khó.
Nhân đây tôi muốn nói lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo của Hà Nội, Sở VH-TT, các sở, ban, ngành và quận, huyện đã quyết tâm, đồng lòng vì sứ mệnh chung của Thủ đô, chịu nhiều áp lực lẫn khó khăn và thử thách để tạo ra Ngày hội văn hóa vì hòa bình. Đây là tâm huyết của tất cả mọi người để tạo ra sự bùng nổ và thành công rực rỡ.
Trong 3 tháng, tôi không có thời gian để chơi với con
PV: Nhận đạo diễn những chương trình tốn nhiều thời gian, công sức và nhiều áp lực như vậy, người thân trong gia đình có lo lắng cho sức khỏe của anh và hỗ trợ đắc lực cho Hoàng Công Cường?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Trong 3 tháng, tôi không có thời gian chơi với con, lúc nào cũng mang stress về nhà. Rất may vợ tôi hiểu và đồng hành với tôi qua nhiều chương trình. Dù đang mang bầu và dễ xúc động nhưng cô ấy rất thông cảm cho công việc của chồng.
Tôi gần như không có thời gian đi chơi hay hòa chung vào không khí của gia đình vì lúc nào cũng cắm mặt vào điện thoại và máy tính để làm việc. Ông ngoại ở cùng và chăm sóc tôi rất đặc biệt. Cụ quá thấu hiểu tôi đang làm việc lớn cho quốc gia, cho Hà Nội nên động viên về tinh thần.
PV: Vậy là đáng lẽ anh phải chăm vợ vì cô ấy đang mang bầu thì ngược lại bà xã lại phải chăm sóc chồng để anh yên tâm làm việc?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Cứ 5h sáng cô ấy dậy nấu yến và mua đồ ăn cho tôi mang ra Bờ Hồ làm việc. Việc tôi dậy sớm cũng làm đảo lộn sinh hoạt của gia đình vì mọi người cũng dậy theo. Ròng rã nhiều tháng tôi đi sớm về khuya và không có thời gian tâm sự với con trai như trước.
PV: Đó là điều anh phải chấp nhận và đánh đổi để tập trung hoàn toàn cho công việc?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Tôi không có thời gian đưa vợ đi khám. Nghề của tôi chua chát lắm vì khi đã được giao trọng trách lớn thì việc nhà cũng bỏ đấy. Thời gian tôi làm SEA Games hay Ngày hội văn hóa vì hòa bình, dù gia đình có chuyện hệ trọng tôi cũng không thể về được vì liên quan đến nhiều người.
PV: Anh có thể chia sẻ thêm về chương trình chiếu 3D Mapping ấn tượng trên nền tòa nhà trụ sở của Bộ Thông tin và Truyền thông cuối tháng 8 vừa qua?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Sự kiện nằm trong chuỗi Hành trình thắp sáng di sản Việt Nam mà tôi đã ấp ủ đề tài này 2 năm nay. Văn hóa, lịch sử, con người thông qua phần trình chiếu 3D Mapping lên các di sản văn hóa Việt sẽ dễ dàng tiếp cận với công chúng và các bạn trẻ.
Đôi khi đọc tài liệu sẽ không dễ nhớ và đọng lại. Dùng hình ảnh và âm nhạc để trao kể câu chuyện văn hóa, lịch sử của di tích nào đó đến người xem là nhanh nhất. Tiếp nối chuỗi chương trình này, tôi dự định trình chiếu 3D Mapping câu chuyện về Bộ Thông tin và Truyền thông qua các thời kỳ và đây sẽ là lần đầu tiên một cơ quan Nhà nước làm điều đó.
Cuộc đời tôi lận đận với nghề
PV: Có vẻ như Hoàng Công Cường có duyên với những chương trình có yếu tố văn hóa, di sản? Anh thích lĩnh vực này hay nghĩ mình là người được chọn?
Đạo diễn Hoàng Công Cường: Cuộc đời tôi lận đận với nghề. Tôi theo học khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ra trường tôi vào Đài Truyền hình Việt Nam và chuyển sang làm đạo diễn sân khấu. Lúc đầu tôi chủ yếu đạo diễn chương trình sân khấu, thời trang và ca nhạc. Tôi đi lễ và thấy văn hóa tín ngưỡng rất hay nên lại thích đọc lịch sử. Sau đó, tôi chuyển qua đạo diễn lễ hội. Từng có người nhận xét là tôi biết gì về văn hóa và lễ hội mà đạo diễn, cho rằng tôi làm chương trình ca nhạc, hoa hậu thì văn hóa nông. Tôi thấy mình thích những chương trình văn hóa lễ hội và cảm giác được lựa chọn để làm.
Tôi nghĩ một chương trình lớn của quốc gia hay địa phương thì người đảm nhiệm bắt buộc phải có đạo đức, là con người tử tế và trách nhiệm. Nếu không đàng hoàng và có tâm với nghề sẽ dẫn đến một chương trình thảm họa và khó khăn đủ đường.
PV: Xin cảm ơn anh!