
Ảnh: Pinterest
Bác sĩ Ed Robinson là thành viên liên kết của British College of Aesthetic Medicine. Anh có 7 năm kinh nghiệm y khoa tại các phòng khám ở Hale, Cheshire & London, Harley Street. Theo bác sĩ, hơi nước nóng từ vòi hoa sen và bồn tắm có thể làm mất tác dụng của các thành phần bảo vệ trong kem. Điều này có nghĩa là hàng triệu người giữ kem chống nắng SPF trong tủ phòng tắm có thể đối diện nguy cơ mắc ung thư da.
Tiến sĩ Robinson cho biết: "Nhiệt độ ấm và ánh sáng mặt trời trực tiếp đều làm giảm hiệu quả của kem chống nắng, khiến làn da không được bảo vệ. Sử dụng kem chống nắng SPF kém nghĩa là bạn không nhận được khả năng bảo vệ hoàn toàn như quảng cáo trên nhãn sản phẩm. Điều này làm tăng nguy cơ bị cháy nắng, lão hóa sớm và nghiêm trọng hơn là ung thư da. Trong một số trường hợp, các thành phần bị phân hủy có thể gây kích ứng da hoặc phản ứng dị ứng".
Thay vào đó, kem chống nắng nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ khắc nghiệt. Bác sĩ Robinson cũng kêu gọi mọi người kiểm tra chai kem chống nắng của mình để tìm dấu hiệu cho thấy các thành phần hoạt tính đã bị phân hủy.
Điều này bao gồm sự thay đổi về kết cấu, nó có thể loãng hơn, vón cục hơn, đồng nghĩa khả năng bảo vệ không đồng đều. Chuyên gia cho biết mùi hôi hoặc màu vàng sẫm là dấu hiệu cho thấy kem chống nắng không phát huy được tác dụng như mong đợi, đồng thời bạn cũng nên luôn kiểm tra ngày hết hạn. Ông khuyên nên để sản phẩm tránh xa bảng điều khiển xe hơi, hộp đựng găng tay, bệ cửa sổ và túi xách - những nơi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Khi những tháng mùa hè đang đến gần, thoa kem chống nắng là cách tốt nhất để tránh tổn thương da. Các chuyên gia khuyên bạn nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 vào những ngày ấm áp.
Các loại tia nắng có hại được biết đến nhiều nhất là UVA và UVB. Tia UVB chiếu vào lớp ngoài của da (lớp biểu bì) và gây cháy nắng nhiều nhất, trong khi tia UVA thâm nhập sâu hơn nhiều và góp phần gây lão hóa. Cả hai đều là tia cực tím và là nguyên nhân gây ung thư da.
Theo tổ chức Cancer Research, có tới 90% các trường hợp ung thư da ở Anh do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời. Mặc dù nhận thức về căn bệnh này ngày càng tăng, theo một cuộc khảo sát độc lập của YouGov, 45% người dân ở Anh không thoa kem chống nắng SPF hàng ngày. Các nghiên cứu của tổ chức này cho thấy phần lớn mọi người thường bỏ sót một số bộ phận trên cơ thể (vai, bàn chân, giữa lưng, mí mắt...) khi thoa kem chống nắng, gây nguy cơ cháy nắng có thể dẫn đến ung thư da.
Quỹ Ung thư Da Anh cảnh báo những người có tiền sử bị cháy nắng năm lần trở lên sẽ tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh ung thư da hắc tố gây tử vong.
Theo thông tin của bệnh viện Tâm Anh, ung thư da không phải ung thư hắc tố là một dạng ung thư phổ biến, có thể phát hiện sớm và điều trị triệt căn. Tiên lượng điều trị và phục hồi đối với ung thư da tương đối cao, hơn 95 % bệnh nhân có thể sống thêm 5 năm trở lên kể từ thời điểm chẩn đoán bệnh.
Dấu hiệu ung thư da giai đoạn đầu thường là những nốt ban đỏ, sần nổi trên bề mặt da, màu đỏ, hồng hoặc nâu. Có thể ở dạng nốt, bờ bất đối xứng, bong vảy hoặc giống các bệnh lý như viêm da, vẩy nến, eczema... Ở giai đoạn tiến triển, ung thư có thể có những nốt sần sáng, có thể trong suốt kèm các nốt nhỏ hoặc rỉ máu, mao mạch lông giãn nở, loét và sưng... Ngoài ra nhiều trường hợp xuất hiện các vết sần cứng hoặc xơ hóa trên da, có thể lở loét vào giai đoạn cuối.
>> Xem thêm Cô gái 24 tuổi bị đột quỵ dù trước đó khỏe mạnh
Hằng Trần (Theo Mail)