Nửa năm qua, Mạnh Dũng (27 tuổi) dành 5-6 triệu đồng mỗi tháng để rót vào ba chứng chỉ quỹ mở cổ phiếu. Thói quen trên hình thành sau giai đoạn anh "bơi mãi chẳng về bờ" ở lần đầu tham gia thị trường bằng cách tự đầu tư cổ phiếu và hứng chịu "cú sập" hồi tháng 9-10 năm ngoái.

Dũng hiểu nguyên nhân thua lỗ phần nhiều do bản thân anh không đủ thời gian, hiểu biết về thị trường để theo dõi và có những biện pháp điều chỉnh phù hợp trước biến động. Do đó, anh tìm đến chứng chỉ quỹ mở. Tuy nhiên, nhiều bạn bè của anh thậm chí chưa từng nghe về khái niệm chứng chỉ quỹ, một số lại mặc định đó là hình thức đầu tư của những người có tài sản lớn.

Theo thống kê của Vụ Quản lý quỹ thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến cuối năm 2023, số nhà đầu tư tham gia chứng chỉ quỹ khoảng 300.000 người. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và rất khiêm tốn so với 7,23 triệu tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân ở cùng thời điểm.

Các quỹ đầu tư chứng khoán đang quản lý tổng giá trị tài sản ròng (NAV) gần 68.000 tỷ đồng. Con số trên tương đương hơn 0,66% GDP năm 2023 và thấp hơn hàng chục lần so với các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan (lần lượt đạt khoảng 11% và 28% GDP).

Giải thích về thực trạng này tại một sự kiện tài chính gần đây, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trước hết, nhiều người thường có tâm lý thích thể hiện bản thân khi có lãi. Do đó, họ có xu hướng yêu thích việc rót tiền tự đầu tư hơn là thông qua các tổ chức tài chính. Chuyên gia cho rằng tâm lý này kéo theo nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư thiếu kiến thức và ba năm qua nhiều người đã nhận được bài học thực tế.

Song song đó, nhà đầu tư chưa có niềm tin vững chắc vào các công ty chứng khoán, quản lý quỹ. "Họ không biết các khái niệm về quỹ, dẫn đến cảm giác thiếu tin tưởng", ông Lực nói.

img-5376-jpg-1722911846-9593-1722912088.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H4Iiuzl0mv67SuSOYceVWQ

TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại sự kiện ra mắt quỹ mở TCGF. Ảnh: TCAM

Thực tế, phần lớn người xung quanh Mạnh Dũng đều phản ứng không tích cực khi nghe anh đầu tư chứng chỉ quỹ. Một số đồng nghiệp từng hỏi anh rằng vì sao không tự chơi cổ phiếu để có lời hơn, trong khi vài người cảnh báo cẩn trọng khi giao tiền cho người lạ đầu tư.

"Có người còn nói với tôi rằng, đừng quá tin tưởng vì các công ty quản lý quỹ sẽ không nỗ lực đầu tư nhiều cho khách hàng, họ chỉ cần đạt hiệu suất cao hơn VN-Index là xong", Dũng chia sẻ.

Về nghi vấn này, ông Võ Trung Cương - Giám đốc quản lý quỹ thuộc Công ty Quản lý quỹ Thành Công (TCAM), khẳng định các nhà quản lý đều mong muốn thực hiện tốt nhất những gì đề ra và cam kết với khách hàng. Sở dĩ các quỹ thường so sánh với VN-Index là để đánh giá hiệu quả của một danh mục cổ phiếu có chọn lọc với tất cả cổ phiếu (tức VN-Index). Từ đó, khách hàng có thể kiểm chứng xem việc phân tích, lựa chọn danh mục cổ phiếu của các nhà quản lý tốt hay không.

Hiệu quả luôn là thước đo quan trọng nên ông Cương tin rằng đa số đơn vị quản lý quỹ đều nỗ lực làm tốt và không ai muốn bị tụt lại phía sau trên thị trường. "Một nhà quản lý quỹ có hiệu quả không tốt cũng giống như đang bán một sản phẩm kém chất lượng. Về lâu dài chắc chắn sẽ không thể thu hút khách hàng đến với họ", ông nói thêm.

Quản lý gần 125.000 tỷ đồng tài sản, Công ty TNHH Quản lý quỹ Manulife Investment Việt Nam (Manulife IM) cho rằng quỹ mở có mức độ phổ biến khá thấp dù có mặt tại Việt Nam hơn 10 năm. Tổng giám đốc Trần Thị Kim Cương nhìn nhận điều này một phần do người dân vẫn có thói quen và kỳ vọng vào tiền gửi tiết kiệm. Ngoài ra, hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ mở chưa rộng rãi khi các công ty quản lý chính là đại lý phân phối. Song song đó, việc truyền thông đến nhà đầu tư cũng chưa được đẩy mạnh, khiến đây vẫn là hình thức xa lạ với nhiều người.

Quỹ mở có lịch sử phát triển hơn 100 năm trên thế giới và là sản phẩm đầu tư phổ biến tại Mỹ, châu Âu và các nước phát triển. Tại Mỹ, nơi được xem là chiếc nôi hình thành và phát triển của loại quỹ này, đến đầu năm nay có 49% hộ gia đình lựa chọn đầu tư cho mục đích hưu trí. Quy mô quỹ mở tại nền kinh tế lớn nhất thế giới lên đến 23.455 tỷ USD, chiếm 81% GDP.

Xu hướng đầu tư này lan rộng sang các nước đang phát triển, nhất là khu vực châu Á. Quỹ mở tại Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 74% GDP, Singapore là 31% và Malaysia là 29% GDP . "Danh mục đầu tư đa dạng, chọn lọc, tính thanh khoản cao và thường được quản lý bởi những tập đoàn tài chính uy tín là những điểm thu hút của quỹ mở", Manulife IM nhận định.

Thị trường hiện có hơn 50 quỹ kiểu này đang hoạt động. Nhiều nhất là các quỹ tập trung cổ phiếu, theo sau là trái phiếu và số lượng ít là các quỹ cân bằng cả hai. Vừa ra mắt quỹ mở cổ phiếu hồi tháng trước, Giám đốc Quản lý quỹ TCAM cho rằng thị trường có nhiều sản phẩm, nhà đầu tư sẽ có lợi khi họ có thông tin so sánh. Việc cần làm là đưa ra những lựa chọn phù hợp.

Ông Võ Trung Cương gợi ý nhà đầu tư trước tiên cần hiểu rõ mục tiêu tài chính cá nhân, sau đó tìm hiểu các quỹ mở chính thống để tìm sản phẩm phù hợp. Thời điểm ban đầu, nhà đầu tư nên phân bổ 2-3 quỹ mở khác nhau để đa dạng hóa lựa chọn, tìm hiểu, theo dõi và so sánh dần hoạt động của các quỹ này trong 6 tháng đến một năm. Cuối cùng, họ sàng lọc, chọn quỹ có thể tin tưởng được để ủy thác mục tiêu tài chính trong chu kỳ dài hạn hơn.

Ngoài ra, theo CEO Manulife IM Trần Thị Kim Cương, mỗi loại hình quỹ mở sẽ có chiến lược, cấu trúc danh mục đầu tư khác nhau dẫn đến biến động và khả năng sinh lời cũng khác nhau. Một lưu ý quan trọng, theo bà là nhà đầu tư nên tìm hiểu các công ty quản lý quỹ có tiềm lực, kinh nghiệm và uy tín.

"Thông thường, thời gian đầu tư dài và phương pháp đều đặn kỷ luật sẽ giúp mang lại hiệu quả cao hơn cho nhà đầu tư, nhờ vào việc trung bình giá mua bất chấp biến động thị trường", bà Kim Cương nhấn mạnh.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022